1, Cơ sở pháp lý
2, Nội dung
Các yếu tố cấu thành tội đe dọa giết người:
Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội phạm này có các dấu hiệu sau:
+ Có hành vi làm cho người bị đe doạ biết được khả năng tính mạng của họ sẽ bị xâm phạm (bị giết chết).
Hành vi này được thể hiện bằng trực tiếp (như bằng lời nói trước mặt, nói trực tiếp với người bị đe doạ) hoặc bằng gián tiếp (như qua thư, qua điện thoại hoặc nhắn qua người khác).
+ Có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện.
Vấn đề xác định có hay không có căn cứ cho rằng người đe doạ có khả năng sẽ hành động thực sự trên thực tế là rất khó xác định và cần phải xét một cách toàn diện trên các mặt sau:
– Phương pháp, thủ đoạn thực hiện hành vi đe doạ.
– Nguyên nhân của việc xảy ra hành vi đe doạ, mâu thuẫn giữa người có hành vi đe doạ với người bị đe doạ.
– Trạng thái tâm lý, xử sự của người bị đe doạ sau khi bị đe doạ.
– Số lần đe doạ và khả năng thực hiện các hành vi đó của người đe doạ.
+ Dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa tội đe doạ giết người (phạm tội chưa đạt) với tội giết người ở giai đoạn chuẩn bị là sự công khai hoặc không công khai hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác, cả hai tội nêu trên tội phạm đều chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi giết người.
Tuy nhiên, ở tội đe doạ giết người thì người phạm tội cố ý để cho người bị hại hoặc người khác biết và tin rằng người đó sẽ thực hiện lòi đe doạ giết. Còn ở trường hợp giết người chưa đạt (Điều 93), thông thường người phạm tội thực hiện việc chuẩn bị phạm tội một cách lén lút, bí mật. Mặt khác, mục đích đe dọa của tội này khác với mục đích giết người của tội giết người.
Khách thể:
Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng của công dân.
Mặt chủ quan:
Người phạm tội đã thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp).
Chủ thể:
Chủ thể của tội đe doạ giết người là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Về hình phạt
Mức hình phạt đối với tội phạm này được chia thành hai khung, cụ thể như sau:
a) Khung một (khoản 1)
Có mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Được áp dụng trong trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan.
b) Khung hai (khoản 2)
Có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Được áp dụng trong trường hợp phạm tội đe doạ giết người thuộc một trong các trường hợp sau:
– Đối với nhiều người (từ hai người trở lên)
– Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (xem giải thích tương tự ở tội giết người).
– Đối với trẻ em (tức là người dưới mười sáu tuổi)
– Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác (Tội phạm khác là tội phạm mà người phạm tội đã thực hiện hoặc đang thực hiện).