Trả lời

Tội phản bội tổ quốc là hành vi của công dân Việt Nam cấu kết với người nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của tổ Quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhà nước Việt Nam

Cơ sở pháp lý: Điều 108 BLHS 2015 sd, bs 2017

Dấu hiệu pháp lý của tội phạm

Khách thể của tội phạm:  

Với tính chất là tội nặng nhất của công dân theo quy định của Hiến pháp, phản bội tổ quốc là tội phạm xâm hại đến các quan hệ xã hội đặc biệt quan trọng, đó là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Độc lập có nghĩa là Nhà nước ta có quyền tự quyết định mọi vấn đề đối nội và đối ngoại của mình mà không một thế lực nào , quốc gia nào có quyền can thiệp hoặc áp đặt.

Chủ quyền bao gồm: Quyền tối cao của Nhà nước ta trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và quyền độc lập của Nhà nước trong quan hệ quốc tế.

Việt Nam còn là một quốc gia thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo. Lãnh thổ Việt Nam là thống nhất, toàn vẹn và bất khả xâm phạm.

Khách quan của tội phạm:

Hành vi khách quan của tội phản bội tổ quốc được thể hiện như sau: Người phạm tội có hành vi cấu kết với người nước ngoài. Câu kết với nước ngoài được hiểu là sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với người nước ngoài nhằm chống lại Tổ quốc. Câu kết với người nước ngoài thường được thể hiện dưới hình thức:

– Bàn bạc với người nước ngoài về âm mưu, phương thức, kế hoạch hoạt động trước mắt cũng như lâu dài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

– Nhận sự giúp đỡ cuả nước ngoài về vũ khí, đạn dược, tiền bạc, các phương tiện kỹ thuật khác để chống lại tổ quốc.

Hoạt động dựa vào thế lực nước ngoài hoặc tiếp tay cho người nước ngoài chống lại Tổ quốc.

Dù được thực hiện dưới dạng hình thức nào, về thực chất người thực hiện hành vi phản bội tổ quốc chỉ là tay sai cho nước ngoài, được nước ngoài sự dụng như công cụ chống lại tổ quốc mình.

Tội phản bội tổ quốc có cấu thành hình thức, tội phạm được coi là là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi cấu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, không phải là dấu hiệu định tội mà là dấu hiệu định khung hình phạt.

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt, chỉ có thể là công dân Việt Nam, tức là người mang quốc tịch Việt Nam. Những người không phải là công dân Việt Nam: người nước ngoài, người không quốc tịch không phải là chủ thể của tội phản bội tổ quốc. Tuy nhiên, người nước ngoài, người không có quốc tịch cấu kết với công dân Việt Nam gây nguy hại đến các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phản bội Tổ quốc với vai trò là đồng phạm (người tổ chức, người giúp sức, người xúi giục).

Chủ quan của tội phạm: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi câu kết với người nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó.

Mục đích phạm tội: Người phạm tội thực hiện hành vi trên nhằm chống chính quyền nhân dân, thay đổi chế độ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Mục đích chống chính quyền nhân dân là mục đích bắt buộc của cấu thành tội phạm tội phản bội Tổ quốc.

Hình phạt: Có 3 khung hình phạt chính

Khung 1: (khoản 1) Quy định hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với người phạm tội thuộc trường hợp tại khoản 1.

Khung 2: (khoản 2) Quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc khoản 2 là trường hợp phạm tội có tình tiết giảm nhẹ TNHS.

Khung 3: (khoản 3) Quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 5 năm áp dụng đối với người chuẩn bị tội này.

Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính , người phạm tội còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung quy định tại Điều 122 BLHS năm 2015, đó là tước một số quyền công dân từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trên đây là những tư vấn sơ bộ của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm.Để được tư vấn cụ thể hơn, vui lòng gửi mail về cho chúng tôi theo địa chỉ: congtyluatsaoviet@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp đến tổng đài 1900 6243.

Trân trọng.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer