Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220 BLHS năm 2015)

“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư;

b) Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư;

c) Vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án;

d) Vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Lời bình của Luật Sao Việt:

Hành vi phạm tội xâm phạm chế độ quản lí nhà nước đối với việc quản lí và sử dụng vốn đầu tư công.

Đối tượng mà tội phạm này tác động đến là vốn đầu tư công. Trong đó, "vốn đầu tư công" bao gồm: 

“Vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư"

- Hành vi phạm tội là lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm quy định của nhà nước về quản lí, sử dụng vốn đầu tư công. Cụ thể là một trong các hành vi sau:

+ Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư. Ví dụ: Người phạm tội có hành vi quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của địa phương hoặc không đúng thẩm quyền hoặc không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật;

+ Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư. Ví dụ: người phạm tội khi lập chủ trương đầu tư đã có hành vi cung cấp thông tin sai lệch trong hồ sơ, tài liệu liên quan đến chủ trương đầu tư dự án;

+ Vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án. Ví dụ: đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc không đúng với chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt hoặc quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công;

+ Vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án. Ví dụ: thông đồng với tổ chức tư vấn dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của Quốc gia.

Người phạm tội phải thực hiện hành vi với lỗi cố ý và phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do BLHS quy định, đồng thời phải là người có chức vụ quyền hạn liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

=> Hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công bị coi là tội phạm nếu gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc tuy gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 của BLHS – Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer