Một vụ án hình sự có nhiều bị can là trường hợp rất phổ biến trong tố tụng hình sự, điều đó dẫn đến một trong những tình huống rất phổ biến khác là vụ án có một vài bị can bỏ trốn. Để đảm bảo quá trình giải quyết vụ án vẫn được thực hiện trong những trường hợp này, pháp luật hình sự quy định việc tách - nhập vụ án hình sự để nhanh chóng giải quyết trường hợp khi một trong các bị can không thể xác định nơi cư trú. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình giải quyết các vụ án hình sự lại đang cho thấy quy định vấn đề tách vụ án khi bị can bỏ trốn đang có nhiều bất cập.
1. Quy định của pháp luật về tách vụ án trong trường hợp bị can bỏ trốn
Tách vụ án là việc phân chia vụ án ra thành hai vụ án trở lên để tiến hành điều tra. Việc tách vụ án có thể được thực hiện ở giai đoạn điều tra hoặc giai đoạn truy tố.
Ở giai đoạn điều tra, theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 170 Bộ luật Tố tụng Hình sự:
“ 2. Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
3. Quyết định nhập hoặc tách vụ án phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định. Trường hợp không nhất trí với quyết định nhập hoặc tách vụ án của Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ và nêu rõ lý do.”
Theo quy định này, việc tách vụ án chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ hai điều kiện: một là trong trường hợp cơ quan điều tra không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm, hai là việc tách không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật của vụ án. Đối với trường hợp cơ quan điều tra không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm thường được hiểu là những vụ việc có nhiều tội phạm được thực hiện, thời gian phạm tội diễn ra dài và nếu để trong một vụ án điều tra thì thời hạn điều tra truy tố không đảm bảo. Đối với trường hợp vụ án có bị can bỏ trốn, nhưng chỉ một tội phạm được thực hiện thì việc một (hoặc một vài) bị can bỏ trốn mà những chứng cứ khách quan và lời khai của nhân chứng, bị can khác, người có liên quan khác đã chứng minh được hành vi phạm tội thì việc bị can bỏ trốn không ảnh hưởng đến việc hoàn thành sớm việc điều tra. Tuy nhiên, vì những quy định của luật rất chung chung, mang tính chất tùy nghi như “trường hợp cần thiết”, “Không ảnh hưởng”,... Trong khi đó, trường hợp nào là “cần thiết”, và khi nào thì “không ảnh hưởng”, rõ ràng không hề có một văn bản nào định nghĩa hay hướng dẫn những quy định này, điều đó dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và các cơ quan chưa có sự thống nhất khi áp dụng.
Ví dụ: Trong một vụ án hình sự, 3 đối tượng A, B, C cùng thực hiện hành vi cướp giật tài sản. A và B bị bắt còn C đã bỏ trốn. Cơ quan công an khởi tố cả ba đối tượng trên về cùng tội danh và ra quyết định truy nã C. Hết thời hạn tạm giam, dù đã gia hạn nhưng vẫn chưa bắt được C, cơ quan điều tra buộc phải kết thúc điều tra và ra quyết định đề nghị truy tố A và B.
Ở đây sẽ tồn tại 2 quan điểm trái chiều về việc tách vụ án:
Một quan điểm cho rằng cần tách vụ án đối với C để nếu hết thời hạn điều tra mà vẫn không bắt được C thì cơ quan điều tra sẽ căn cứ Khoản 1 Điều 160 BLTTHS để ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với C.
Quan điểm khác cho rằng không thể tách vụ án này bởi 3 bị can cùng thực hiện hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm, việc tách vụ án để xử lý riêng C có thể ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
Trên thực tế, cơ quan công an thường sẽ tách vụ án
Ví dụ đối với vụ án tại Công ty Nhật Cường Mobile, ông chủ của Nhật Cường là Bùi Quang Huy bị khởi tố 3 tội danh nhưng đã bỏ trốn từ trước đó. Sau nhiều năm truy nã nhưng chưa có kết quả, Bộ Công an đã tạm đình chỉ điều tra đối với bị can Huy và Viện kiểm sát không đưa ra quyết định truy tố. Vụ án được xét xử vào năm 2021 với những nhân viên khác của công ty Nhật Cường.
Ở giai đoạn truy tố, theo quy định tại Điều 242 Bộ luật Tố tụng Hình sự , trong giai đoạn truy tố mà bị can bỏ trốn thì Viện kiểm sát sẽ ra quyết định tách vụ án nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can. Như vậy, điều kiện cần để tách vụ án là khi đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, điều kiện đủ là việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
“Điều kiện cần” nêu trên được luật hóa tại Điều 247 BLTTHS quy định về trường hợp Viện kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án: “Khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố; trong trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc truy nã bị can được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật này;..... Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để tạm đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả bị can thì tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can.”
Như vậy, để có thể ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với một bị can đã bỏ trốn, cần đáp ứng thêm 2 điều kiện bao gồm: “Đã hết thời hạn quyết định truy tố” và “đã ra quyết định truy nã bị can”.Theo quy định này, nếu trường hợp vụ án có bị can bỏ trốn trong giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát phải yêu cầu Cơ quan điều tra ban hành lệnh truy nã, sau đó phải chờ hết thời hạn truy tố nếu chưa bắt được bị can Viện kiểm sát mới có thể ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, sau đó ra quyết định tách vụ án để giải quyết những bị can khác.
Tuy nhiên quy định này mâu thuẫn với quy định về thời hạn quyết định truy tố tại Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo Điều 240, thời hạn quyết định truy tố đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng là 20 ngày, đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 30 ngày
kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và kết luận điều tra của cơ quan công an. Trong thời hạn này, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định sau đây: Truy tố bị can trước Tòa; Trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can. Như vậy, Viện kiểm sát sẽ phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can trong thời hạn truy tố.
Ngoài ra, cáo trạng của Viện kiểm sát cũng phải được đưa ra trong thời hạn quyết định truy tố, nếu tách vụ án thì trong cáo trạng phải có nội dung nhận định việc tách vụ án do bị can bỏ trốn và việc tách này không ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án; tuy nhiên theo Điều 242 nêu trên thì quyết định tách vụ án theo đúng quy trình sẽ được ban hành khi đã hết thời hạn truy tố. Quy định này gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là Viện Kiểm sát vì thời hạn quy định rối rắm và mâu thuẫn với nhau.
2. Đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật:
Một là, nên sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn rõ ràng các trường hợp cụ thể được tách vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra, tránh những từ ngữ quy định chung chung như hiện tại. Điều này không chỉ giúp cơ quan điều tra có sự thống nhất khi áp dụng các quy định của pháp luật, mà còn đảm bảo cho quyền lợi của các bị can.
Hai là, nên quy định lại về quy trình, thủ tục tách vụ án trong giai đoạn truy tố theo hướng khi bị can bỏ trốn mà việc truy nã không có hiệu quả, đồng thời không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án thì viện kiểm sát ra quyết định tách vụ án, ban hành cáo trạng truy tố các bị can còn lại. Khi hết thời hạn quyết định truy tố mà vẫn không xác định được bị can đang ở đâu thì tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com