1. Ai phải đóng đoàn phí công đoàn?
Đoàn phí công đoàn là khoản tài chính công đoàn được sử dụng để tổ chức các hoạt động cho người lao động như du lịch, trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn,...
Về đối tượng phải đóng đoàn phí công đoàn Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 nêu rõ: “1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam".
Vì vậy, không phải tất cả người lao động đều phải đóng đoàn phí công đoàn mà chỉ đoàn viên của công đoàn mới phải đóng. Nếu người lao động không tham gia công đoàn hoặc doanh nghiệp không thành lập công đoàn cơ sở thì người lao động sẽ không phải đóng đoàn phí.
Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet.
2. Người lao động có bắt buộc phải tham gia công đoàn?
Khoản 1 Điều 5 Luật Công đoàn 2012 cũng quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn như sau:
“Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn”.
Theo quy định này, việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn là “quyền” của người lao động", không phải nghĩa vụ. Vì vậy, người lao động không bắt buộc phải tham gia công đoàn mà hoàn toàn có quyền tham gia hoặc không.
Đồng thời, Bộ luật Lao động 2019 cũng nghiêm cấm người sử dụng lao động ép buộc người lao động gia nhập công đoàn. Hành vi ép buộc người lao động tham gia công đoàn có thể bị xử phạt từ 15 - 30 triệu đồng theo điểm b khoản 1 Điều 36 Nghị định 12/2022/NĐ-CP:
“Điều 36. Vi phạm quy định về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động;
b) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động;
…”
Đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, còn đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp 2 mức phạt của cá nhân vi phạm (tức là từ 30 - 60 triệu đồng).
3. Mức đóng, tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí công đoàn
Mức đóng và tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí công đoàn được quy định tại Điều 23 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 như sau:
a) Đối với đoàn viên ở các công đoàn cơ sở cơ quan nhà nước; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; đơn vị sự nghiệp hưởng lương theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định:
Mức đóng hàng tháng = 1% x Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương cấp bậc, chức vụ, lương theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề. Khi tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thay đổi thì tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí công đoàn thay đổi theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
b) Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần nhà nước giữ cổ phần chi phối):
Mức đóng hàng tháng = 1% x Tiền lương thực lĩnh
Trong đó:
- Tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên), nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước
- Mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa = 10% x Mức lương cơ sở.
Mức lương cơ sở hiện nay là 2,34 triệu đồng/tháng.
c) Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối); Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hưởng tiền lương không theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định; Liên hiệp hợp tác xã; Các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam; Đoàn viên công đoàn công tác ở nước ngoài:
Mức đóng hàng tháng = 1% x Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH
Trong đó:
- Mức đóng đoàn phí tối đa = 10% x Mức lương cơ sở.
- Mức lương cơ sở hiện nay là 2,34 triệu đồng/tháng.
d) Đoàn viên ở các nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở doanh nghiệp khó xác định tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội:
Mức đóng ấn định thấp nhất = 1 % x Mức lương cơ sở = 23.400 đồng/tháng
Lưu ý:
Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí.
=========================================================================================================
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com