Vừa qua một sự cố lao động nghiêm trọng đã xảy ra tại Công ty Miwon Việt Nam khiến cho 4 người bị tử vong và 1 người bị thương. Được biết ngày 18/7/2022, công ty Miwon thuê một đơn vị môi trường độc lập ở Hà Nội đến vệ sinh hố gas vi sinh. Trong quá trình làm việc, 2 công nhân của công ty môi trường đã gặp sự cố, thấy vậy 3 trong số những công nhân khác làm việc xung quanh đã ứng cứu, tuy nhiên không may 4 người bị tử vong và 1 người bị thương. Đây là một trong những vụ tai nạn lao động hết sức nghiêm trọng do có hậu quả chết người, vì vậy quy trình xử lý khi xảy ra tai nạn lao động khi đó cũng sẽ khác với những tai nạn lao động thông thường.
Ảnh minh họa: Internet
Hiện nay quy trình điều tra, xử lý tai nạn lao động có hậu quả chết người được quy định tại Điều 34, 35 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 được hướng dẫn bởi Nghị định 39/2016/NĐ-CP, theo đó trình tự xử lý khi phát hiện tai nạn lao động chết người như sau:
1, Kịp thời tổ chức sơ cứu, cấp cứu người bị nạn và tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động.
Đồng thời giữ nguyên hiện trường vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng theo nguyên tắc sau đây:
- Chỉ được xóa bỏ hiện trường và mai táng tử thi (nếu có) sau khi đã hoàn thành các bước Điều tra theo quy định và được sự đồng ý bằng văn bản của Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh hoặc cơ quan công an.
2, Khai báo tai nạn lao động
Đối với người bị tai nạn hoặc người biết sự việc: + phải báo ngay cho người phụ trách trực tiếp, người sử dụng lao động biết để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả xảy ra;
+ Trường hợp người lao động làm việc tự do, không theo hợp đồng lao động thì gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện có trách nhiệm khai báo ngay với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi xảy ra tai nạn lao động để kịp thời có biện pháp xử lý. UBND xã có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan Công an cấp huyện và cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn
Đối với NSDLĐ: + Khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn;
+ Báo ngay cho cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Công an cấp huyện)
3, Điều tra vụ tai nạn lao động
Bước 1: Thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động
Thẩm quyền thành lập: - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh ( đối với vụ tai nạn làm chết người hoặc làm từ 02 người bị tai nạn nặng trở lên )
- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thẩm quyền thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương (các vụ tai nạn lao động có tính chất nghiêm trọng, mức độ phức tạp, vượt quá khả năng xử lý của cấp tỉnh )
Thành phần Đoàn điều tra:
+ Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh gồm có đại diện của Thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện Sở Y tế, đại diện Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và một số thành viên khác.
+ Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương gồm có đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện Bộ Y tế, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số thành viên khác.
Bước 2: Tiến hành điều tra
Đoàn điều tra thực hiện các công việc:
+ Thu thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động.
+ Lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động
+ Đề nghị giám định kỹ thuật, giám định pháp y (nếu xét thấy cần thiết).
+ Phân tích kết luận về: diễn biến, nguyên nhân gây ra tai nạn lao động; kết luận về vụ tai nạn lao động; mức độ vi phạm và đề nghị hình thức xử lý đối với người có lỗi trong vụ tai nạn lao động; các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tai nạn lao động tương tự hoặc tái diễn. Dựa trên kết quả điều tra, sẽ có 2 trường hợp:
Trường hợp 1: có dấu hiệu tội phạm: Đoàn điều tra phải báo cáo bằng văn bản, kèm theo các tài liệu, chuyển giao đồ vật, phương tiện liên quan (nếu có) cho cơ quan điều tra để xem xét, khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Sau đó, nếu cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án, thì trong thời hạn 05 ngày, kể từ khi ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra có trách nhiệm cung cấp và chuyển giao cho Đoàn điều tra tai nạn lao động các tài liệu, đồ vật, phương tiện liên quan đến vụ tai nạn lao động
Trường hợp 2: không có dấu hiệu tội phạm
+ Lập Biên bản Điều tra tai nạn lao động theo mẫu
+ Tổ chức cuộc họp và lập Biên bản cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động tại cơ sở hoặc tại trụ sở Ủy ban nhân cấp xã nơi xảy ra tai nạn
+ Gửi Biên bản Điều tra tai nạn lao động, Biên bản cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động tới các cơ quan có thành viên trong Đoàn Điều tra tai nạn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, người sử dụng lao động và nạn nhân hoặc thân nhân người bị nạn. Thời hạn: trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động
+ Niêm yết công khai: Sau khi nhận được biên bản điều tra tai nạn lao động và biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động, người sử dụng lao động phải thực hiện niêm yết công khai, đầy đủ thông tin để người lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động biết; trường hợp tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải niêm yết công khai để nhân dân biết
Thời hạn điều tra:
Tối đa không quá 60 ngày đối với tai nạn lao động chết người; Không quá 120 ngày đối với tai nạn lao động cần phải giám định kỹ thuật hoặc giám định pháp y ( đã bao gồm thời gian gia hạn thêm đối với vụ việc có tình tiết phức tạp )
Trong giai đoạn điều tra, người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra vụ việc phải tạo điều kiện cho người lao động liên quan đến vụ tai nạn cung cấp thông tin cho Đoàn Điều tra tai nạn lao động khi được yêu cầu.
4, Hoàn tất điều tra
+ Thanh toán các khoản chi phí phục vụ cho việc Điều tra tai nạn lao động
+ Thực hiện chi trả bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động được quy định
+ Thực hiện các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do tai nạn lao động gây ra; tổ chức rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị ghi trong biên bản Điều tra tai nạn lao động; xử lý theo thẩm quyền những người có lỗi để xảy ra tai nạn lao động.