Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn, tuy nhiên trong quá trình làm việc, khó tránh khỏi những sự cố xảy ra gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động. Vậy tai nạn lao động là gì? Doanh nghiệp có trách nhiệm như thế nào khi người lao động bị tai nạn?
I, Tai nạn lao động là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015, tai nạn lao động được định nghĩa như sau: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.”
Một sự kiện chỉ được coi là tai nạn lao động khi có đủ các yếu tố:
- Có sự cố, rủi ro bất ngờ, xảy ra một cách ngẫu nhiên, nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người
- Gây tổn thương cho các bộ phận, chức năng cơ thể, thậm chí là tử vong
- Gắn với quá trình lao động, thực hiện công việc,nhiệm vụ
II, Trách nhiệm của doanh nghiệp khi người lao động bị tai nạn lao động?
1, Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động
2, Tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động
3, Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
4, Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
5, Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra
Việc bồi thường chỉ áp dụng trong trường hợp người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động này gây ra; nếu nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn gây ra (căn cứ theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động) thì không được bồi thường.
6, Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền theo quy định
Trách nhiệm trợ cấp chỉ đặt ra cho người sử dụng lao động khi có đủ các yếu tố:
+ Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên/ hoặc thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động
+ Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn gây ra (căn cứ theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động).
7, Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động,
Lưu ý: Người lao động chỉ được hưởng chế độ tai nạn lao động nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 40, 45 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015)
(Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 được hướng dẫn bởi Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH)