Từ 01/01/2025 người lao động có thể đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo Nghị định 143/2024/NĐ-CP vừa được ban hành vào ngày ngày 01/11/2024. Bài viết dưới đây của Luật Sao Việt sẽ hướng dẫn bạn cách đăng ký tham gia, mức đóng và thủ tục để được hưởng chế độ bảo hiểm mới này.
1. Đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện lần đầu
Hồ sơ và thủ tục đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện lần đầu được quy định tại Chương IV Nghị định 143/2024/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người tham gia lần đầu chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm những thành phần sau:
- Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động
Lưu ý: Trong Tờ khai phải có các thông tin cụ thể về nghề, công việc, thời gian và nơi làm việc được đăng ký để tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Do đó người lao động cần chuẩn bị thêm những giấy tờ có liên quan sau để lấy thông tin đưa vào tờ khai, như:
- Căn cước công dân
- Giấy tờ, tài liệu liên quan đến nghề, công việc, thời gian và nơi làm việc đang làm
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người lao động nộp hồ sơ đã chuẩn bị cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp sổ bảo hiểm xã hội cho người đăng ký tham gia.
2. Mức đóng khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Căn cứ Điều 11 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, mức đóng và phương thức đóng khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được thực hiện như sau:
Phương thức đóng
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội theo một trong hai phương thức đóng 06 tháng một lần hoặc 12 tháng một lần. Có thể thay đổi phương thức đóng sau khi đã hoàn thành chu kỳ đóng đã đăng ký trước đó.
Mức đóng
Mức đóng theo quy định là:
- Mức đóng 06 tháng bằng 6% tháng lương tối thiểu vùng IV.
- Mức đóng 12 tháng bằng 12% tháng lương tối thiểu vùng IV.
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/7/2024). Theo đó, mức lương tối thiểu vùng IV theo tháng đang là 3.450.000 đồng/tháng. Như vậy mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ tương ứng là:
- Mức đóng theo phương thức 06 tháng một lần bằng 2.070.000 đồng/tháng.
- Mức đóng theo phương thức 12 tháng một lần bằng 414.000 đồng/tháng.
Thời điểm đóng
Thời điểm đóng bảo hiểm tai nạn lao động được thực hiện như sau:
- Lần đầu, ngay khi đăng ký tham gia
- Lần tiếp theo, trong vòng 10 ngày trước khi hết chu kỳ đóng
- Ngay khi đăng ký lại phương thức đóng
Lưu ý: Trường hợp quá thời điểm đóng mà người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện không đóng bảo hiểm thì được coi là tạm dừng đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Khi đó, nếu muốn tiếp tục đóng thì người lao động phải đăng ký lại phương thức đóng theo quy định.
Ảnh minh họa (nguồn:Internet)
3. Thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Khi đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định thì người lao động thực hiện thủ tục theo trình tự để được hưởng quyền lợi. Căn cứ Chương IV Nghị định 143/2024/NĐ-CP, trình tự thủ tục cụ thể như sau:
3.1 Khám giám định mức suy giảm khả năng lao động
Trước khi thực hiện thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, người lao động cần thực hiện khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để làm cơ sở giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chi trả phí giám định đối với người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
3.2 Nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Thời gian giải quyết chế độ: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động. Trường hợp không giải quyết hoặc vượt quá thời hạn giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản cho người nộp hồ sơ và nêu rõ lý do.
Trường hợp giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và chi trả tiền trợ cấp chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do lỗi của bản thân người lao động hoặc của thân nhân của người lao động bị chết do tai nạn lao động.
Tham khảo thêm bài viết liên quan:
Điều kiện hưởng và chế độ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện:
Nghị định 143/2024/NĐ-CP ngày 01/11/2024 quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động:
Nếu có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào, bạn đọc vui lòng liên hệ các Luật sư, Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:
Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com