Đi công tác là một nhiệm vụ mà người lao động thường được giao cho trong quá trình làm việc. Vậy khi xảy ra rủi ro tai nạn giao thông trong trường hợp người lao động đi công tác thì có được coi là tai nạn lao động hay không?
Để xác định được tai nạn giao thông khi đi công tác có phải là tai nạn lao động hay không thì trước hết chúng ta cần làm rõ một số nội dung quan trọng dưới đây:
1. Khái niệm tai nạn lao động:
Tại Khoản 8 Điều 3 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 giải thích tai nạn lao động là “tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.” Theo đó, tai nạn lao động được xác định là xảy ra ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
2. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động:
Điều 45 của Luật này đã quy định những điều kiện để người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động. Trong đó có điều kiện về các trường hợp cụ thể được xác định là bị tai nạn lao động. Cụ thể:
“Điều 45. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;
3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.”
Trong quy định này cần lưu ý một số nội dung sau:
Thứ nhất, người lao động bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc trong trường hợp khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động cũng sẽ được coi là tai nạn lao động.
Thứ hai, nếu người lao động bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý thì đây cũng là trường hợp được xác định là tai nạn lao động. Cụm từ “nơi làm việc” trong quy định trên không được pháp luật về lao động giải thích cụ thể. Tuy nhiên, trong phần giải thích về khái niệm “quấy rối tình dục tại nơi làm việc” được quy định tại Khoản 9 Điều 3 Bộ luật lao động năm 2019 đã đề cập đến nội dung này như sau: “nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.” 3. Tai nạn giao thông khi đi công tác có được coi là tai nạn lao động?
Nếu áp dụng theo tinh thần của quy định này thì địa điểm công tác hoặc địa điểm gắn liền với công việc, nhiệm vụ mà người lao động cần phải di chuyển đến theo phân công của người sử dụng lao động cũng được coi là nơi làm việc.
Từ những quy định trên có thể thấy, tai nạn giao thông khi đi công tác được coi là tai nạn lao động khi có những yếu tố sau:
1. Tại thời điểm xảy ra tai nạn giao thông, hoạt động người lao động thực hiện khi đi công tác là để thực hiện công việc, gắn liền với công việc, nhiệm vụ theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động.
2. Tại thời điểm tai nạn giao thông xảy ra trên đường thì trường hợp này là tuyến đường mà người lao động đi từ nơi ở đến địa điểm công tác/địa điểm gắn liền với công việc, nhiệm vụ hoặc ngược lại trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Hiện nay, yếu tố “khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý” vẫn chưa được pháp luật quy định giải thích cụ thể. Tuy nhiên, việc đánh giá cần dựa trên những tài liệu, chứng cứ cụ thể, ví dụ như: Lịch trình công tác, Quyết định phân công công tác…
Do đó, những tài liệu, chứng cứ có liên quan để chứng minh việc người lao động đi công tác là được giao nhiệm vụ và tuân theo yêu cầu, sự điều hành từ phía người sử dụng lao động là rất quan trọng, bên cạnh lời khai của những người có liên quan. Những căn cứ này cần được cung cấp cho Đoàn điều tra tai nạn lao động, bởi đây là chủ thể có trách nhiệm điều tra, đánh giá và kết luận về vụ tai nạn giao thông liên quan đến tai nạn lao động. Biên bản Điều tra tai nạn lao động cũng chính là cơ sở để xác định chế độ bồi thường, trợ cấp mà người lao động sẽ được nhận từ người sử dụng lao động và từ Qũy bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà người lao động đã tham gia.
Trong quá trình thực hiện, nếu có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào, bạn đọc vui lòng liên hệ các Luật sư, Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:
Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com