Những ngày gần đây, giới tài chính lại một lần nữa chao đảo bởi sự kiện “bán chui” cổ phiếu của một doanh nhân. Điều đáng nói đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự việc này mà trước đó có không ít những cá nhân, doanh nghiệp từng mua bán chui cổ phiếu nhằm thu lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng. Vậy bán chui cổ phiếu là gì? Bán chui cổ phiếu sẽ bị xử lý như thế nào?

Ảnh minh họa: Internet

  1. Bán chui cổ phiếu là gì?

Theo Điều 16 Luật Chứng khoán 2019, tổ chức phát hành, cổ đông công ty đại chúng trước khi chào bán chứng khoán ra công chúng phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trừ 04 trường hợp không phải đăng ký chào bán theo quy định tại khoản 2 Điều này gồm :

a) Chào bán công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do ngân hàng chính sách phát hành, trái phiếu chính quyền địa phương;

b) Chào bán trái phiếu của tổ chức tài chính quốc tế được Chính phủ Việt Nam chấp thuận;

c) Chào bán cổ phiếu ra công chúng để chuyển doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần;

d) Việc bán chứng khoán theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc việc bán chứng khoán của người quản lý hoặc người được nhận tài sản trong trường hợp phá sản hoặc mất khả năng thanh toán.

Như vậy, nếu không thuộc 4 trường hợp nêu trên, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch cổ phiếu bắt buộc phải tuân thủ quy định về thời gian đăng ký, công bố thông tin theo  Khoản 1 Điều 32,  khoản 7 Điều 33 Thông tư 96/2020/TT-BTC ‘‘Tối thiểu 03 ngày làm việc trước ngày thực hiện giao dịch, cổ đông sáng lập nắm giữ cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định pháp luật về doanh nghiệp phải gửi báo cáo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán (đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch), Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, công ty đại chúng và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán về việc thực hiện giao dịch theo mẫu quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập, người thực hiện chuyển nhượng phải gửi bổ sung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chuyển nhượng nêu trên.

….

Trong thời hạn 03 ngày làm việc sau khi nhận được các báo cáo liên quan đến giao dịch chứng khoán của người nội bộ và người có liên quan theo quy định tại Điều này, công ty đại chúng, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải công bố trên trang thông tin điện tử của công ty’’

>> Bán chui cổ phiếu là việc cá nhân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch mua bán cổ phiếu nhưng không tuân thủ quy định pháp luật về việc đăng ký, công khai thông tin.   

  1. Trách nhiệm pháp lý đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi bán chui cổ phiếu

Tùy theo tính chất mức độ và thiệt hại trên thực tế, cá nhân, pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu TNHS như sau:

Trách nhiệm hành chính: Căn cứ theo quy định tại Khoản 27 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP thì hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bị xử phạt theo giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ) như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 400.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 600.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 10.000.000.000 đồng;

h) Phạt tiền 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10.000.000.000 đồng trở lên.

Trường hợp mức phạt tiền cao hơn mức phạt tiền tối đa thì áp dụng mức phạt tiền tối đa. Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này thì mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Do đó trong mọi trường hợp mức phạt hành chính đối với hành vi bán chui cổ phiếu của cá nhân tối đa 1 ,5 tỷ đồng. Chính bởi lỗ hổng này mà nhiều doanh nghiệp, cá nhân sẵn sàng vi phạm để thu lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng.

Trách nhiệm hình sự : Nghiêm trọng hơn, thực hiện hành vi bán chui cổ phiếu gây thiệt hại cho các nhà đầu tư khác, người vi phạm còn có thể bị truy cứu TNHS về Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm (Điều 209 BLHS 2015) nếu có 2 yếu tố sau đây :

+ Có hành vi cố ý che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán

+ Gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng/ Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng/  Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên; d) Tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 Pháp nhân thương mại phạm tội, mức phạt tiền lên đến 5.000.000.000 đồng; đồng thời Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Bên cạnh đó, nếu có căn cứ chứng minh hành vi bán chui cổ phiếu gây thiệt hại trực tiếp đối với các nhà đầu tư khác, người (pháp nhân) gây thiệt hại còn phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer