Khi nhận được một khoản tiền chuyển nhầm vào tài khoản, nhiều người do chưa có kinh nghiệm xử lý, chưa nắm được kiến thức pháp luật liên quan nên đã vi phạm pháp luật. Thậm chí, đưa bản thân vướng vào vòng lao lý. Trong bài viết này, Luật Sao Việt sẽ chia sẻ với bạn cách xử lý đúng pháp luật khi bị người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản, tránh đem lại rủi ro.

1. Không được sử dụng số tiền nhận được do chuyển nhầm

Căn cứ Bộ luật dân sự năm 2015 hiện hành, một người khi nhận được một số tiền do người khác chuyển nhầm thì được xác định là người chiếm hữu tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật. Khi đó, người nhận được tiền do chuyển nhầm sẽ phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả. Cụ thể, Khoản 1 Điều 579 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

“1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”.

Trong trường hợp người nhận tiền không hoàn trả lại số tiền chuyển nhầm, thậm chí sử dụng số tiền đó vào mục đích cá nhân thì có thể bị xử lý vì hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Hình thức xử lý hành vi vi phạm này có thể là xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp xử lý vi phạm hành chính

Theo điểm đ, Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, hành vi sử dụng hoặc chiếm giữ tài sản của người khác bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, phải chịu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép.

Đây là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Nếu là tổ chức thì mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền trên.

Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự

Tội chiếm giữ tài sản trái phép theo Điều 176 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 được quy định như sau:

- Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Nếu người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng khi bị giao nhầm sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.

- Bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Trong trường hợp phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên.

Từ những quy định trên có thể thấy, khi bị người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản của mình, chúng ta không được rút hay sử dụng số tiền đó. Đồng thời, phải thực hiện hoàn trả lại toàn bộ số tiền nhận được. 

Hiện nay, khi ngày càng nhiều những hình thức bẫy, chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì việc phải hoàn trả lại số tiền chuyển nhầm như thế nào để bảo vệ quyền lợi của bản thân cũng là một vấn đề rất quan trọng.

Bị người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản

2. Hoàn trả lại số tiền chuyển nhầm một cách an toàn, tránh rủi ro

Từ nội dung của những quy định pháp luật trên, người nhận được tiền có thể hoàn trả lại đúng pháp luật số tiền chuyển nhầm bằng cách hoàn trả lại cho chủ sở hữu số tiền chuyển nhầm/người quản lý hợp pháp; hoặc giao nộp lại cho cơ quan có trách nhiệm.

Trong thực tế, để biết được chính xác chủ sở hữu của số tiền chuyển nhầm kia là ai là điều rất khó. Từ thực tiễn cuộc sống thông qua những khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhằm tránh khỏi những rủi ro không thể lường trước được, trong trường này, người nhận được tiền chuyển nhầm nên: Thực hiện thông báo ngay cho chi nhánh ngân hàng nơi mình mở tài khoản hoặc cho cơ quan Công an nơi gần nhất. Nội dung thông báo là việc tài khoản ngân hàng của mình nhận được số tiền chuyển nhầm đến là bao nhiêu và có mong muốn hoàn trả lại.

Sau khi nhận được thông báo, phía ngân hàng và cơ quan công an sẽ tiến hành tra soát lại giao dịch, xác minh thông tin tài khoản chuyển nhầm và giải quyết theo quy trình. 

Một vài điều cần lưu ý khi tiến hành hoàn trả lại số tiền chuyển nhầm:

- Không nên tự ý chuyển lại số tiền nhận được theo yêu cầu từ phía chủ thể lạ liên hệ mà chưa được xác minh bởi phía ngân hàng hoặc cơ quan công an, hoặc không có một bên thứ ba làm chứng.

- Không được cung cấp những thông tin cá nhân cần bảo mật như: Mật khẩu truy cập tài khoản, mã OTP, thông tin tài khoản, thông tin cá nhân cho bất cứ ai. 

- Không tự ý truy cập vào các đường link website, tải app theo yêu cầu từ bất cứ ai.

- Nên đến làm việc với chi nhánh ngân hàng, cơ quan công an trực tiếp tại trụ sở. Trong trường hợp có bất kỳ ai liên hệ mà tự xưng là phía cơ quan công an hay ngân hàng để giải quyết vụ việc thì cần cảnh giác xác minh trước khi làm theo yêu cầu, hướng dẫn nào.

Trong trường hợp tự hoàn trả lại số tiền cho người chuyển nhầm thì ngoài những lưu ý trên, người chuyển tiền cần lưu giữ lại những bằng chứng như: tin nhắn, thông báo giao dịch ngân hàng, nội dung trao đổi…để chứng minh quá trình nhận được số tiền chuyển nhầm cho đến khi hoàn trả lại.

Nếu có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào hoặc khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Sao Việt, bạn đọc vui lòng liên hệ Chuyên viên và Luật sư của chúng tôi thông qua những hình thức sau đây.

Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer