Chào Luật sư, tôi dự định chạy xe taxi 7 chỗ chở khách liên tỉnh thì có bắt buộc phải lắp camera hành trình không? Nếu không lắp thì sẽ bị xử lý thế nào?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Ngày nay, camera hành trình ngày càng được sử dụng rộng rãi và trở thành người bạn đồng hành trong quá trình tham gia giao thông của các tài xế. Đây là một thiết bị có chức năng ghi lại hình ảnh âm thanh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lái nhất là việc quan sát vào ban đêm, không những vậy, camera hành trình còn làm nhiệm vụ chỉ dẫn GPS, cảnh báo và đo tốc độ các phương tiện, hỗ trợ cho quá trình trích xuất dữ liệu, điều tra các vụ tai nạn của cảnh sát giao thông …

Thứ nhất, các trường hợp buộc phải lắp camera hành trình:

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 13, Khoản 2 Điều 14 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có 2 trường hợp buộc phải lắp camera hành trình như sau:

+ Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.

+ Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.

Lưu ý: Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:

a) Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;

b) Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.

Như vậy, hiện nay pháp luật chỉ quy định 2 nhóm phương tiện gồm xe khách từ 09 chỗ, xe công- ten-nơ , đầu kéo chở hàng mới bắt buộc lắp camera hành trình, với xe taxi 4 chỗ, 7 chỗ không bắt buộc phải lắp đặt camera, việc lắp đặt tùy thuộc theo nhu cầu và khả năng của cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện đó.

Thứ hai, quy định xử phạt nếu không lắp camera hành trình:

Đối với phương tiện thuộc nhóm bắt buộc phải lắp đặt camera hành trình, nếu không tuân thủ và thực hiện, có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

 + Đối với người điều khiển: Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng đối với hành vi:

 Điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa/ hành khách không lắp camera theo quy định hoặc có lắp nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh của người lái xe trong quá trình tham gia giao thông (theo điểm p khoản 5 Điều 23, điểm c khoản 3 Điều 24)

+ Đối với đơn vị kinh doanh vận tải:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải nếu :

Sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định (điểm o khoản 6 Điều 28)

Bên cạnh đó, cá nhân, đơn vị vi phạm còn buộc phải thực hiện việc lắp đặt bổ sung camera ngay sau đó.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer