1. Dưới góc độ pháp lý, người nước ngoài là những ai?
Theo Khoản 1 Điều 3 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, người nước ngoài bao gồm 02 đối tượng:
- Công dân nước ngoài: Người có quốc tịch của một nước khác mà không phải là Việt Nam. Những người này khi nhập cảnh vào Việt Nam sẽ mang hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Liên hợp quốc cấp.
- Người không có quốc tịch: Người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài. Những người này khi nhập cảnh vào Việt Nam sẽ mang Giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người không quốc tịch đang cư trú cấp.
Việc chồng người nước ngoài lấy vợ là công dân Việt Nam cũng sẽ không làm thay đổi tình trạng quốc tịch của người này.
Ảnh minh họa
2. Chồng người nước ngoài lấy vợ người Việt Nam có được mua nhà ở Việt Nam không?
Đối với nội dung này, ta cần xác định quyền sở hữu nhà ở dựa trên quy định của pháp luật về nhà ở. Hiện nay, theo Luật nhà ở năm 2023 (có hiệu lực từ 01/8/2024), về nguyên tắc chung, cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải đáp ứng một số điều kiện và hạn chế nhất định.
2.1 Điều kiện để người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Căn cứ:
- Điểm c Khoản 1 Điều 8 Luật nhà ở năm 2023 quy định những đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
- Khoản 3 Điều 18 Luật nhà ở năm 2023 quy định điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Theo đó, cá nhân nước ngoài là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1. Đáp ứng đủ điều kiện để được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
2. Không thuộc trường hợp được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.
2.2 Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài
Theo quy định tại Mục 3 Chương II Luật nhà ở năm 2023, quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài như sau:
a) Hình thức sở hữu
Việc sở hữu nhà ở của người nước ngoài được thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định. Đặc biệt, Danh mục những dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở xây dựng trên địa bàn.
Đồng thời, người nước ngoài có thể mua, thuê mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu nhà ở bằng các hình thức hợp pháp theo quy định.
b) Số lượng sở hữu
Pháp luật về nhà ở quy định giới hạn số lượng nhà ở mà cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam. Cụ thể tại Khoản 1, 2 Điều 19 quy định như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 17 của Luật này chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có quy mô về dân số tương đương một phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà;
2. Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ quy định tại khoản 1 Điều này.”
Như vậy, người nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu nhà ở theo đúng số lượng được cho phép và được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.
c) Thời hạn sở hữu
Căn cứ điểm c, Khoản 2 Điều 20 “Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong giao dịch mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và được gia hạn một lần với thời hạn không quá 50 năm nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận.”
Như vậy, người chồng là người nước ngoài khi lấy vợ là người Việt Nam, khi đáp ứng điều kiện về đối tượng theo quy định trên thì về nguyên tắc, vẫn có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong số lượng giới hạn theo quy định. Đối với hình thức mua, việc sở hữu này được thực hiện bằng cách mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở và dự án đó không thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định; Hoặc mua nhà ở của chính những tổ chức, cá nhân nước ngoài mà đã sở hữu nhà ở bằng các hình thức hợp pháp được quy định. Khi đó, cá nhân người nước ngoài sẽ được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.
Trong trường hợp mua nhà ở là tài sản chung của vợ chồng mà không đáp ứng những quy định trên thì trên thực tế, chỉ có người vợ là người Việt Nam sẽ đứng tên trên Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, quyền của người chồng là người nước ngoài đối với tài sản chung theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình vẫn sẽ được đảm bảo.
Mặc dù điểm c Khoản 2 Điều 20 Luật nhà ở năm 2023 quy định:
“Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.
Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu nhà ở như người Việt Nam định cư ở nước ngoài.”
Nhưng trên thực tế, việc thực hiện quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người chồng là người nước ngoài theo quy định này còn khó khăn.
3. Khi được nhập Quốc tịch Việt Nam, người chồng là người nước ngoài có thể sở hữu nhà ở tại Việt Nam như công dân Việt Nam
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch năm 2008 quy định:
“2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam”
Theo đó, công dân nước ngoài và người không quốc tịch khi lấy vợ là công dân Việt Nam nếu có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam và chỉ cần đáp ứng 02 điều kiện sau đây (thay vì 05 điều kiện) theo Khoản 1 Điều 19 Luật này. Bao gồm:
“a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;”
Bằng thủ tục xin nhập Quốc tịch, khi được Chủ tịch nước xem xét, quyết định thì đây sẽ là căn cứ để xác định người chồng là người có quốc tịch Việt Nam. Khi đó, việc thực hiện hình thức mua để sở hữu nhà ở và quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng sẽ được thực hiện tương tự như một công dân Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện, nếu có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào, bạn đọc vui lòng liên hệ các Luật sư, Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:
Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com