Thanh Thủy: Trong những năm gần đây, các giao dịch liên quan đến tiền ảo điển hình là Bitcoin ngày càng phổ biến hơn. Chúng ta dễ dàng thấy các trang web, sàn giao dịch tiền ảo. Vậy tiền ảo là gì, có gía trị pháp lý như thế nào? Tiền ảo có thể được sử dụng để thanh toán các hóa đơn mua sắm không?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Hiện nay, tiền ảo và các giao dịch liên quan đến tiền ảo không còn là một thuật ngữ xa lạ. Chúng ta thường thấy các loại tiền ảo như: Bitcoin, Ethereum, Litecoin, MaidSafeCoin, Dogecoin…Tiền ảo nói chung và Bitcoin nói riêng là một dạng tiền kỹ thuật số, được tạo ra và tồn tại dưới dạng điện tử, không ở dạng vật lý. Khác với các loại tiền truyền thống, tiền ảo không được in ra, người sử dụng cũng không thể cầm, nắm, hay nhìn thấy hình dạng của tiền. Tiền ảo chủ yếu được lưu trữ và giao dịch thông qua phần mềm được chỉ định, ứng dụng di động, máy tính hoặc qua ví kỹ thuật số chuyên dụng.

Tính hợp pháp của tiền ảo cũng như Bitcoin vẫn còn vấn đề gây tranh cãi trên toàn cầu. Hiện tại đã có 107/251 nước chấp nhận Bitcoin. Ở Việt Nam, Bitcoin được xem là bất hợp pháp. Cụ thể: về mặt pháp lý, tiền ảo không được coi là một tài sản hay một loại hàng hóa có thể trao đổi và mua bán trong thị trường.

Thứ nhất, tiền ảo không được coi là tài sản. Căn cứ theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.Có thể thấy, “tiền “ chỉ được coi là tài sản khi thỏa mãn các yếu tố sau:

-Tiền là vật ngang giá chung có tính thanh khoản cao nhất dùng để trao đổi lấy hàng hóa và dịch vụ.

-Phải được sử dụng rộng rãi, được mọi người sẵn sàng chấp nhận sử dụng và thường được Nhà nước phát hành bảo đảm giá trị bởi các tài sản khác như vàng, kim loại quý, trái phiếu, ngoại tệ.

-Có thể là nội tệ hoặc ngoại tệ. Tiền lưu hành trong nước phải là đồng Việt Nam. Nếu là ngoại tệ thì phải thuộc các trường hợp pháp luật cho phép sử dụng và lưu hành.

-Tiền phải có giá trị lưu hành trong thời điểm hiện tại. Với những đồng tiền cổ hoặc tiền xu không được phát hành bởi Ngân hàng nhà nước trong thời điểm hiện tại thì nó được gọi là tiền nhưng không được xem làm tài sản để thực hiện các giao dịch trong dân sự.

Từ các đặc điểm nêu trên, dễ thấy, tiền ảo không được coi là một loại tài sản trong dân sự, tiền ảo chỉ được sử dụng, chấp nhận làm phương tiện thanh toán và có thể chuyển nhượng, lưu trữ hoặc giao dịch điện tử giữa các thành viên trong một cộng đồng ảo cụ thể chứ không được sử dụng rộng rãi.

Thứ hai, tiền ảo không được coi là một loại hàng hóa. Theo khoản 2 điều 3 Luật Thương Mại 2005, hàng hóa bao gồm: “Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; những vật gắn liền với đất đai.” Để được coi là hàng hóa, và có thể lưu thông trên thị trường thì trước tiên sản phẩm đó phải là tài sản, có thể là động sản hoặc bất động sản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Trong khi tiền ảo không được coi là tài sản, và cũng không được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một loại tiền tệ.  

Thứ ba, tiền ảo không được thừa nhận là một phương thức thanh toán.

Căn cứ theo khoản 6 Điều 4 Nghị định số 102/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ – CP về phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán, theo đó, phương tiện thanh toán hợp pháp bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, theo Công văn số 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi văn phòng chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo: “Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư”.

Hơn thế, theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 và điểm a khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 thì: “Tiền ảo không phải là một trong các loại ngoại hối”.

Như vậy, tiền ảo không thuộc danh mục các phương tiện thanh toán hợp pháp nêu trên, cũng không được coi là tài sản hay hàng hóa mà cá nhân có thể trao đổi, mua bán trên thị trường. Cá nhân không thể sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán hóa đơn mua sắm tại Việt Nam. Nếu bất cứ ai sử dụng tiền ảo làm công cụ thanh toán thì đều là hành vi vi phạm quy định về sử dụng phương tiện thanh toán. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer