Chị Hương (Hà Nội): “Tôi bị tai nạn lao động và sau khi quay trở về tiếp tục làm việc tại trụ sở chính ở Hà Nội thì công ty yêu cầu tôi sang làm việc ở chi nhánh thành phố Vinh. Tôi không đồng ý với quyết định này và nghỉ việc 01 tuần không có lý do. Sau đó, giám đốc công ty triệu tập Ban chấp hành công đoàn cơ sở tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật và ra quyết định sa thải tôi vì lý do nghỉ việc không có lý do chính đáng. Tôi muốn hỏi trong trường hợp của tôi thì tôi có thể làm đơn yêu cầu cơ quan, tổ chức nào giải quyết tranh chấp của mình?”.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty Luật Sao Việt, theo thông tin bạn cung cấp chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Bộ luật lao động 2012 thì "Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động”.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì tranh chấp lao động giữa bạn và công ty là tranh chấp lao động cá nhân.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân:
Theo quy định tại Điều 200 Bộ luật lao động 2012 thì những cơ quan dưới đây có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân:
“1. Hoà giải viên lao động.
2. Toà án nhân dân”.
Về trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động được quy định tại Điều 201 Bộ luật lao động 2012 như sau:
“Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động
1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;…
4. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết”.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, do tranh chấp của bạn là tranh chấp lao động cá nhân liên quan đến xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải nên thủ tục hòa giải không phải là bắt buộc đối với tranh chấp của bạn, bạn có thể thông qua thủ tục hòa giải hoặc không. Nếu không thông qua thủ tục hòa giải hoặc đã thông qua thủ tục hòa giải nhưng không thành bạn có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động của bạn đến Tòa án.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc muốn được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com