Nguyệt Ánh: Tôi có tham gia bảo hiểm y tế, tôi có đi khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hà Nội. Cho tôi hỏi về điều kiện hưởng, mức hưởng khi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế?
Nguồn ảnh: Internet.
Trả lời
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Sao Việt, theo thông tin bạn cung cấp chúng tôi tư vấn như sau:
Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện thể chế hóa bằng Luật Bảo hiểm y tế, hướng tới mục tiêu bảo hiểm toàn dân, các đối tượng quy định trong Luật này đều phải tham gia bảo hiểm y tế.
1. Điều kiện hưởng
- Khi đi khám bệnh, chữa bệnh: phải xuất trình thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) còn giá trị sử dụng và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng.
- Trường hợp cấp cứu: Được tiếp nhận tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tùy thân chứng minh nhân thân hợp lệ trước khi ra viện. Trong quá trình điều trị phát hiện và phải điều trị một số bệnh thì điều trị tại nơi cơ sở KCB được tính đúng tuyến.
- Trường hợp chuyển tuyến điều trị: Được chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định trong trường hợp cơ sở KCB BHYT vượt quá khả năng điều trị hoặc các dịch vụ kỹ thuật đơn vị không triển khai thực hiện. Người bệnh phải xuất trình thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) còn giá trị sử dụng và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ và giấy chuyển viện của cơ sở KCB chuyển tuyến.
- Trường hợp thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh: Đối tượng là "sĩ quan hạ sĩ quan, người làm công tác cơ yếu..; Người có công với cách mạng; Thân nhân người có công với cách mạng (cha đẻ, mẹ đẻ, con, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ); Trẻ em dưới 6 tuổi; Người thuộc diện bảo trợ bảo trợ hàng tháng" thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí vận chuyển 2 chiều trong trường hợp chuyển tuyến kỹ thuật.
- Trường hợp khám lại: theo yêu cầu điều trị: Người tham gia BHYT phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở KCB. Giấy hẹn khám lại chỉ sử dụng cho 1 lần thực hiện khám chữa bệnh.
2. Mức hưởng
2.1. Thanh toán tại các bệnh viện, cơ sở KCB bảo hiểm y tế:
- Khám chữa bệnh đúng quy định
Người tham gia đi KCB có xuất trình thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân chứng minh hợp lệ tại cơ sở KCB ban đầu hoặc cơ sở KCB BHYT khác có giấy chuyển viện được thanh toán như sau:
a, Sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) thông thường:
+ 100% chi phí KCB đối với đối tượng: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan; Người có công cách mạng; Trẻ em dưới 6 tuổi; chi phí KCB đối với trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (lương tối thiểu chung) và KCB tại tuyến xã; Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn.
+ 95% chi phí KCB đối với đối tượng: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; Người thuộc hộ gia đình cận nghèo; Thân nhân người có công với cách mạng.
+ 80% chi phí KCB đối với các đối tượng khác.
b, Khi sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn được thanh toán như sau:
+ 100% chi phí KCB không giới hạn tỷ lệ thanh toán đối với: Trẻ em dưới 6 tuổi; Người hoạt động cách mạng trước 1945; người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến trước 19/8/1945; Bà mẹ VN anh hùng; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, thương tật tái phát.
+ 100% chi phí đối với: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đang công tác trong lực lượng CAND nhưng không vượt quá 40 tháng lương cơ sở (lương tối thiểu chung) cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật. Phần còn lại do cơ quan, đơn vị quản lý đối tượng chi trả.
+ 100% chi phí đối với: Người có công với cách mạng nhưng không vượt quá 40 tháng lương cơ sở (lương tối thiểu chung) cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT/BHYT-BTC.
+ 95% chi phí đối với: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; Thân nhân người có công với cách mạng trừ nhóm đối tượng quy định điểm i khoản 3, điều 12 Luật BHXH số 46/2014; Người thuộc hộ gia đình cận nghèo.
+ 80% chi phí dành cho đối tượng và nhóm đối tượng khác.
- Khám chữa bệnh không đúng cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hoặc không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật (trừ trường hợp cấp cứu) được thanh toán như sau:
+ 60% chi phí đối với trường hợp khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh;
+ 40% chi phí đối với trường hợp khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bênh trực thuộc Trung Ương.
- Giá trị sử dụng thẻ
+ Đối với người tham gia là lần đầu, gián đoạn thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục từ 3 tháng trở lên thẻ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày đóng tiền.
+ Đối với người tham gia liên tục, gia hạn thẻ, gián đoạn tối đa không quá 3 tháng thì thẻ có hiệu lực từ ngày đóng tiền bảo hiểm y tế cho đơn vị, đại lý thu,…
2.2. Thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ quan bảo hiểm xã hội:
- KCB tại cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT; đi KCB tại cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT nhưng không đủ thủ tục KCB: Người bệnh tự thanh toán chi phí KCB với cơ sở y tế, sau đó mang chứng từ đến cơ quan BHXH để thanh toán. Căn cứ dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh được cung cấp, tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế và chứng từ hợp lệ, cơ quan BHXH thanh toán cho người bệnh chi phí thực tế nhưng tối đa không vượt quá mức quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC.
- Mức tiền cụ thể thanh toán trực tiếp theo quy định tại phụ lục Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BHYT-BTC của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính về:
+ Giá dịch vụ khám chữa bệnh
+ Giá dịch vụ ngày giường bệnh
+ Giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm
Trường hợp đi khám chữa bệnh ở nước ngoài không được thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo điều 14 và Phụ lục 04 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC.
3. Các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế
Căn cứ điều 23 Luật Bảo hiểm y tế, các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế gồm:
- Chi phí trong trường hợp đã được ngân sách nhà nước chi trả.
- Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng.
- Khám sức khỏe.
- Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.
- Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ.
- Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.
- Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt. (Trừ trường hợp điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ cho trẻ em dưới 6 tuổi).
- Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.
- Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng đối với bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, thảm họa.
- Khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác.
- Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
- Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com