Chống bán phá giá là một trong những biện pháp phòng vệ thương mại được nhà nước áp dụng nhằm chống lại những ảnh hưởng của việc sản phẩm được bán phá giá trong thị trường. Bán phá giá ở đây được hiểu là việc doanh nghiệp bán sản phẩm ra nước ngoài với giá thấp hơn giá thông thường tại thị trường nội địa. Một trong những biện pháp chống bán phá giá phổ biến nhất, thường được áp dụng là đánh thuế vào những sản phẩm bán phá giá. Vậy điều kiện, trình tự áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tại Việt Nam được quy định như thế nào?
1. Khái niệm biện pháp chống bán phá giá:
Điều 77 Luật quản lý ngoại thương năm 2017 quy định biện pháp chống bán phá giá là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Các biện pháp chống bán phá giá theo quy định tại khoản 2 Điều 77 bao gồm:
* Đánh thuế mặt hàng chống bán phá giá
Đây là cách áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bán phá giá đe dọa gây ra hoặc gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
* Yêu cầu lập cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá
Khi đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá sẽ phải lập cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá đối với Cơ quan điều tra của Việt Nam hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được Cơ quan điều tra chấp thuận.
2. Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá tại Việt Nam
a) Điều kiện chung:
Điều kiện để áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với các hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017 bao gồm:
- Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017;
- Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước;
- Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá quy định tại điểm a khoản 1 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017 với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định tại điểm b khoản 1 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017.
b) Điều kiện riêng để áp dụng thuế chống bán phá giá
- Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;
- Việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
3. Điều kiện loại trừ
- Biện pháp chống bán phá giá không áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.
- Trường hợp hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ một nước có khối lượng hoặc số lượng không vượt quá 3% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam và tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa có xuất xứ từ các nước đáp ứng điều kiện trên không vượt quá 7% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam thì các nước này được loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
4. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá
Bước 1: Áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời
Việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định căn cứ vào kết luận sơ bộ của Cơ quan điều tra. Mức thuế chống bán phá giá tạm thời không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận sơ bộ.
Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời là không quá 120 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực. Khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa tương tự vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể gia hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nhưng không quá 60 ngày.
Bước 2: Áp dụng biện pháp cam kết
Sau khi có kết luận sơ bộ và trước khi kết thúc điều tra, nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra có thể đưa ra cam kết với Cơ quan điều tra về việc tự nguyện điều chỉnh giá bán hoặc tự nguyện hạn chế khối lượng, số lượng hàng hóa bị điều tra xuất khẩu vào Việt Nam;
Cơ quan điều tra có thể chấp nhận, không chấp nhận hoặc đề nghị điều chỉnh nội dung cam kết trên cơ sở lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước.
Bước 3: Áp dụng thuế chống bán phá giá
Trường hợp không đạt được cam kết quy định tại khoản 2 Điều này, sau khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra công bố kết luận cuối cùng về các nội dung điều tra quy định tại Điều 80 của Luật này. Kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra và các căn cứ chính để ban hành kết luận cuối cùng phải được thông báo bằng phương thức thích hợp cho các bên liên quan trong vụ việc điều tra;
Căn cứ vào kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng hay không áp dụng thuế chống bán phá giá;
Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá là không quá 05 năm kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực, trừ trường hợp được gia hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này.
Bước 4: Áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước
Trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước;
Thuế chống bán phá giá được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu được xác định bị bán phá giá; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.