Kinh phí công đoàn là khoản tài chính mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải đóng không phân biệt đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở. Vậy những nhóm đối tượng nào cần phải đóng kinh phí công đoàn? Mức đóng kinh phí công đoàn năm 2022 là bao nhiêu?
1. Những đối tượng phải đóng kinh phí công đoàn
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sau đây phải đóng kinh phí công đoàn không phân biệt việc đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở:
- Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
- Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.
- Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
2. Mức đóng kinh phí công đoàn
Mức đóng kinh phí công đoàn là 2% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.
Phương thức đóng kinh phí công đoàn: Tùy từng địa phương yêu cầu nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản nên có thể liên hệ trực tiếp với Liên đoàn Lao động quận, huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để được hướng dẫn cụ thể và mỗi tháng đóng 1 lần cùng thời điểm đóng BHXH cho người lao động.
3. Mức phạt không đóng kinh phí công đoàn
Mức phạt với hành vi chậm đóng kinh phí công đoàn của người sử dụng lao động được quy định tại Khoản 1, Điều 38 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Cụ thể:
Phạt tiền từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, tối đa không quá 75 triệu đồng.
Ngoài ra, cá nhân/tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục nộp bổ sung số tiền chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền đó theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt, thời gian khắc phục chậm nhất 30 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com