Theo quy định về trách nhiệm của nhà thuốc, dược sỹ tại Điều 30, khoản 1 Điều 47 Luật Dược 2016, khi bán thuốc, cả dược sỹ (người hành nghề dược) và nhà thuốc chỉ được phép thay thế thuốc đã kê trong đơn bằng một thuốc khác có cùng hoạt chất, cách dùng,liều lượng nếu được người mua đồng ý, đồng thời phải chịu trách nhiệm về việc thay đổi thuốc đó. Cụ thể như sau:
+ Đối với với người hành nghề dược:
a. Được đào tạo, cập nhật kiến thức, trao đổi thông tin chuyên môn, pháp luật về dược.
b. Được cấp Chứng chỉ hành nghề dược khi đáp ứng đủ Điều kiện quy định tại Luật này.
c. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở kinh doanh dược được ủy quyền cho người có Chứng chỉ hành nghề dược phù hợp khi vắng mặt để chịu trách nhiệm chuyên môn theo quy định.
d. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc được thay thế thuốc đã kê trong đơn thuốc bằng một thuốc khác có cùng hoạt chất, cách dùng, liều lượng khi có sự đồng ý của người mua và phải chịu trách nhiệm về việc thay đổi thuốc.
e. Từ chối thực hiện hoạt động chuyên môn trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp."
+ Đối với cơ sở bán lẻ là nhà thuốc:
Cơ sở bán lẻ là nhà thuốc có các quyền sau đây:
a) Quyền quy định tại các Điểm a, b, c và đ Khoản 1 Điều 42 của Luật này;
b) Mua nguyên liệu làm thuốc để pha chế thuốc theo đơn và bán thuốc này tại cơ sở. Người quản lý chuyên môn về dược của nhà thuốc chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp việc pha chế thuốc tại cơ sở;
c) Mua thuốc để bán lẻ, trừ vắc xin; trường hợp mua, bán thuốc phải kiểm soát đặc biệt và thuốc thuộc Danh Mục thuốc hạn chế bán lẻ thực hiện theo quy định tại Điều 34 của Luật này;
d) Tham gia cấp phát thuốc của bảo hiểm, chương trình, dự án y tế khi đáp ứng yêu cầu và Điều kiện của bảo hiểm, chương trình, dự án đó;
đ) Người có Bằng dược sỹ được thay thế thuốc đã kê trong đơn thuốc bằng một thuốc khác có cùng hoạt chất, đường dùng, liều lượng khi có sự đồng ý của người mua và phải chịu trách nhiệm về việc thay đổi thuốc.
Do đó, khi bán thuốc, dù nhà thuốc hay dược sĩ cũng không được tự ý thay thế thuốc đã kê trong đơn bằng loại thuốc tương tự khi chưa có sự đồng ý của người mua. Khi người mua đồng ý thay thế bằng loại thuốc khác với loại thuốc kê trong đơn thì chỉ người có bằng dược sĩ mới được thay thế thuốc và phải thay thế thuốc đã kê trong đơn thuốc bằng một thuốc khác có cùng hoạt chất, cách dùng, liều lượng. Mặc dù người mua đồng ý đổi thuốc kê trong đơn bằng loại tương tự nhưng dược sĩ vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thay đổi thuốc đó.
Trách nhiệm pháp lý khi dược sỹ, nhà thuốc tự ý đổi thuốc bằng loại khác tương tự mà chưa được sự đồng ý của người mua:
1) Trách nhiệm hành chính:
Trường hợp dược sĩ, nhà thuốc tự ý đổi thuốc kê trong đơn bằng loại thuốc khác tương tự mà không có sự đồng ý của người mua thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau:
+ Đối với cá nhân:
"1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược, trừ trường hợp ủy quyền khi vắng mặt theo quy định của pháp luật;
b) Không chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa;
c) Chưa hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất;
d) Thay thế thuốc đã kê trong đơn thuốc bằng một thuốc khác có cùng hoạt chất, cách dùng, liều lượng khi chưa có sự đồng ý của người mua."
+ Đối với tổ chức: Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Khi đó nhà thuốc có thể bị phạt từ 6.000.000 đồng – 10 triệu đồng
2) Trách nhiệm dân sự: Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ dược sỹ cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường về sức khỏe, tính mạng nếu việc thay đổi thuốc là nguyên nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của bệnh nhân. Xem thêm các khoản chi phí bồi thường tại Đây.
3) Trách nhiệm hình sự: Trường hợp việc tự ý đổi loại thuốc là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả chết người thì dược sỹ đó còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo quy định tại Điều 129 Bộ luật hình sự 2015 :
“Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com