Câu hỏi: Năm 2022 Tôi và vợ cũ đã ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án. Khi tiến hành thủ tục ly hôn tại tòa, các bên đã thống nhất những nội dung hòa giải thành như sau:

- Về nghĩa vụ và trách nhiệm của tôi gồm: Tự nguyện chăm sóc, nuôi dưỡng các con và chi trả cho vợ 10 tỷ đồng

- Về phía vợ: Có trách nhiệm bàn giao lại căn hộ chung cư đang ở cho tôi

Khi có Quyết định công nhận hòa giải thành tại tòa, vợ đề nghị tôi chi trả trước 5 tỷ để có điều kiện sinh sống. Tôi và cô ấy có cùng ra ngân hàng lập Ủy nhiệm chi 5 tỷ trước sự chứng kiến của các bên, nội dung có ghi rõ là chuyển tiền theo thỏa thuận hòa giải thành tại Tòa án.

Đến nay cô ấy không chịu giao nhà cho tôi và phủ nhận việc đã nhận 5 tỷ và bảo đó là khoản tiền khác, không phải là khoản tiền theo quyết định của Tòa án và yêu cầu tôi phải trả tiếp 10 tỷ đồng. Vì vậy cô ấy đã làm đơn nhờ bên thi hành án dân sự can thiệp.

Hiện tôi đang muốn sang nước ngoài thăm con gái bị ốm nhưng lại bị Cơ quan thi hành án dân sự ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh, lý do vì chúng tôi không thỏa thuận được việc thi hành án và có Đơn yêu cầu của bên được thi hành án vì vậy, Cơ quan thi hành đã ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với tôi.

Tôi muốn hỏi Luật sư: Việc cơ quan thi hành án dân sự tạm hoãn xuất cảnh có đúng quy định không vì thực tế tôi đã thực hiện hơn ½ nghĩa vụ và không có ý định trốn tránh nghĩa vụ? Làm cách nào để gỡ bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp của tôi?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn về Công ty Luật TNHH Sao Việt.  Với câu hỏi của bạn, chúng tôi trả lời bạn như sau:

Thứ nhất, người phải thi hành án có thuộc diện tạm hoãn xuất cảnh không?

Căn cứ Khoản 4 Điều 36; Khoản 4, khoản 10 Điều 37 Luật xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, bạn với tư cách là người phải thi hành án dân sự nên thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh khi có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của bạn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 52 Nghị định 62/2015/NĐ-CP; Điểm a Khoản 15 Điều 1 Nghị định 33/2020/NĐ-CP quy định:

Điều 37. Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh:

“4. Thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 36 của Luật này thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

10. Người có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này chỉ được ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và đối với trường hợp liên quan đến vụ án, vụ việc đang thuộc thẩm quyền giải quyết”.

- Điểm a Khoản 15 Điều 1 Nghị định 33/2020/NĐ-CP:

5. Khoản 1 Điều 51 được sửa đổi, bổ sung như sau:

a “1. Người phải thi hành án chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án theo bản án, quyết định thì có thể bị tạm hoãn xuất cảnh, trừ trường Hợp quy định tại khoản 2 điều này:

 Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về tạm hoãn xuất cảnh và gửi cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khi thuộc Một trong các trường hợp sau:

a) Có yêu cầu của người được thi hành án

b) Có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân hoặc để đảm bảo việc thi hành án

 Việc tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, giải tỏa, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh”.

=>> Kết luận: việc Cơ quan thi hành án dân sự ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp của bạn là đúng quy định, vì thuộc một trong các trường hợp bị tạm hoãn xuất nhập cảnh do đang có nghĩa vụ thi hành án dân sự (chưa thi hành xong) kể cả trong trường hợp bạn có chứng minh được đã thi hành được 1 phần nghĩa vụ (chi trả trước 5 tỷ/10 tỷ- có ủy nhiệm chi thể hiện).

Thứ hai, trường hợp nào người phải thi hành án dân sự vẫn được xuất cảnh mà không bị tạm hoãn: 

Đối với việc xuất cảnh của người phải thi hành án, theo Nghị định 62/2015/NĐ-CP:

Điều 51. Việc xuất cảnh của người phải thi hành án

“2. Đối với người phải thi hành án đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định về tiền, tài sản mà thuộc một trong các trường hợp sau thì có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh:

a) Có đủ tài sản để thực hiện nghĩa vụ và đã ủy quyền cho người khác thay mặt họ giải quyết việc thi hành án liên quan đến tài sản đó; việc ủy quyền phải có công chứng và không được hủy ngang.

b) Đã ủy quyền cho người khác mà người được ủy quyền có đủ tài sản và cam kết thi hành thay nghĩa vụ của người ủy quyền; việc ủy quyền phải có công chứng và không được hủy ngang.

c) Có sự đồng ý của người được thi hành án;

d) Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án mà không có căn cứ chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn;

4. Việc giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh được thực hiện khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án, quyết định đang thi hành hoặc khi căn cứ tạm hoãn xuất cảnh không còn”.

Theo đó, để được xuất cảnh khi đang thi hành án dân sự, bạn có 2 hướng xử lý cho bạn như sau:

- Thứ nhất, Bạn cần phải chứng minh được bạn có đủ điều kiện, có tài sản để thực hiện nghĩa vụ đồng thời, thực hiện việc ủy quyền công chứng việc thi hành án cho người trong nước giải quyết (Ủy quyền phải có công chứng và không được hủy ngang)

    Lưu ý: mặc dù đáp ứng được các điều kiện trên nhưng có thể vẫn sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh do luật không quy định bắt buộc phải hủy bỏ lệnh tạm hoãn (quyết định phụ thuộc vào cơ quan thi hành án, cần phải có văn bản từ phía cơ quan thi hành án dân sự về việc hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh). Bạn cần có Văn bản kèm theo tài liệu chứng minh như trên gửi đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án xem xét giải quyết.

- Thứ hai, bạn cần giải quyết xong việc thi hành án (hoàn thành nghĩa vụ thi hành án- trả cho vợ 10 tỷ). Tuy nhiên, vụ việc của bạn đang phát sinh tranh chấp, vì vậy bạn cần chuẩn bị,thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh việc bạn đã thực hiện chi trả 5 tỷ để yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết đúng quy định pháp luật. Trường hợp vợ cũ của bạn tiếp tục đưa ra những căn cứ thể hiện việc không đồng ý, có thể vụ việc của bạn có thể sẽ phải giải quyết tại Tòa án.

  • Trình tự, thủ tục thực hiện hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh được quy định tại Khoản 2 Điều 39 - Luật xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019:

“2. Trong thời gian tạm hoãn xuất cảnh, khi có đủ căn cứ để hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh, người có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Luật này gửi văn bản hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh theo mẫu đến Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản theo mẫu cho người đã bị tạm hoãn xuất cảnh biết”.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer