Chị Minh: Phòng trọ của tôi bị cắt nước sinh hoạt để tiện cho thợ sửa chữa và bảo trì đường ống nước. Vì vậy tôi phải qua nhà bạn ngủ nhờ một đêm. Nếu như vậy, tôi có cần thông báo lưu trú không? Trường hợp nếu không thông báo lưu trú thì có thể bị xử phạt như thế nào?
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời:
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Lưu trú là việc công dân ở lại trong một khoảng thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú (gồm cả nơi thường trú và nơi tạm trú) của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.
Căn cứ theo Điều 31 Luật cư trú 2006 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Luật cư trú 2013, theo đó, quy định về việc lưu trú và thông báo lưu trú như sau:
“1. Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.
2. Đại diện gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn; trường hợp người đến lưu trú tại nhà ở của gia đình, nhà ở tập thể mà chủ gia đình, nhà ở tập thể đó không đăng ký thường trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại hoặc qua mạng Internet, mạng máy tính. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, địa chỉ mạng Internet, địa chỉ mạng máy tính, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú cho nhân dân biết.
3. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
4. Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.”
Như vậy, đối chiếu theo quy định nêu trên, khi bạn ngủ qua đêm tại nhà người khác, thì chủ gia đình đó có trách nhiệm phải thông báo việc lưu trú của bạn với Công an xã, phường, thị trấn. Trường hợp chủ gia đình mà bạn lưu trú không đăng ký thường trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn đó thì bạn có trách nhiệm thông báo việc lưu trú của mình với Công an xã, phường, thị trấn.
Trường hợp nếu cá nhân, chủ hộ không thực hiện các quy định về thông báo lưu trú, căn cứ theo Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, cá nhân đó có thể bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt từ 100.000 đồng - 300.000 đồng:
“1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;
b) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
c) Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc ngủ nhờ một đêm tại nhà của người thân, bạn bè thường xảy ra khá phổ biến trong cuộc sống, và cũng rất ít khi cơ quan, hay người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính liên quan đến vấn đề này. Vì vậy, bạn không nên lo lắng quá khi ngủ nhờ nhà người thân, bạn bè mà không thực hiện thông báo lưu trú với cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com