Xin chào luật sư. Vì lý do cá nhân, tôi muốn chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tôi đang sở hữu cho người khác. Vậy việc chuyển nhượng có vấn đề gì cần lưu ý và nếu tôi yêu cầu công ty mua lại cổ phần thì liệu có quy định nào giới hạn tỷ lệ được phép bán cho công ty không?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và quan tâm đến Luật Sao Việt. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi sẽ tư vấn dựa trên những giả thiết có thể xảy ra đối với trường hợp của bạn để bạn tham khảo và có quyết định đối với vấn đề của mình:
Trường hợp 1: Bạn là Cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần. (Cổ đông sáng lập là người sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập của công ty cổ phần)
Đối với trường hợp của cổ đông sáng lập, mỗi loại cổ phần bạn nắm giữ sẽ có những quy định riêng về việc chuyển nhượng như sau:
- Cổ phần phổ thông: Việc chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 120 Luật Doanh nghiệp năm 2022. Theo đó: “Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông…”
Như vậy, nếu vẫn trong thời hạn 3 năm từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì quyền chuyển nhượng sẽ bị hạn chế. Bạn chỉ được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác, nếu chuyển nhượng cho cổ đông khác không phải cổ đông sáng lập hoặc cho người không phải cổ đông của công ty thì phải được sự đồng ý của các cổ đông sáng lập khác thông qua hình thức biểu quyết.
Tuy nhiên, hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập tại khoản 3 nêu trên không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần đã được chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập.
- Cổ phần ưu đãi:
Trong các loại cổ phần ưu đãi, cổ phần ưu đãi biểu quyết là loại cổ phần duy nhất bị hạn chế chuyển nhượng do là cổ phần phổ thông có nhiều hơn phiếu biểu quyết so với cổ phần phổ thông khác và chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ. Khoản 3 Điều 116 quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần biểu quyết như sau:
“3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.”
Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập có hiệu lực trong 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi biểu quyết chuyển đổi thành cổ phần phổ thông và được tự do chuyển nhượng.
Trường hợp 2: Bạn không phải là cổ đông sáng lập của công ty cổ phần.
Trường hợp này bạn được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình theo khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
“ Điều 127. Chuyển nhượng cổ phần
1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
…”
Về việc yêu cầu công ty mua lại cổ phần của bạn, theo quy định tại Điều 132 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định :
“Điều 132. Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông
1. Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này.
…..”
Như vậy, trường hợp bạn đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty, bạn có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Lưu ý, yêu cầu phải bằng văn bản trong đó có nêu rõ các nội dung sau:
- Tên, địa chỉ của cổ đông;
- Số lượng cổ phần từng loại;
- Giá dự định bán;
- Lý do yêu cầu công ty mua lại.
Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty.
Về tỷ lệ cổ phần mà Công ty có quyền mua lại được quy định tại khoản 1 Điều 133 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:
“Điều 133. Mua lại cổ phần theo quyết định của công ty
Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán theo quy định sau đây:
1. Hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã bán trong thời hạn 12 tháng. Trường hợp khác, việc mua lại cổ phần do Đại hội đồng cổ đông quyết định;
…”
Vì vậy, nếu bạn thuộc trường hợp được quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần và công ty đồng ý mua lại thì công ty chỉ được mua lại không quá 30% tổng cổ phần phổ thông đã bán hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với trường hợp của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com