Mẹ tôi ra ngân hàng gửi tiền tiết kiệm thì được nhân viên ngân hàng tư vấn mua trái phiếu bảo đảm, theo lời nhân viên ngân hàng thì trái phiếu này được ngân hàng bảo lãnh. Tôi thấy hiện nay nhiều vụ ngân hàng dụ khách mua trái phiếu rồi mất tiền nên rất lo lắng. Xin luật sư tư vấn giúp tôi những vấn đề pháp luật quy định về trái phiếu bảo đảm, liệu có nguy cơ mất tiền như những vụ trái phiếu doanh nghiệp THM vừa qua không? Tôi xin cảm ơn
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
“Trái phiếu có bảo đảm” là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hoặc được bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính ở nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế theo quy định của pháp luật. (Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP).
“Bảo lãnh” là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. (Theo khoản 1 Điều 335 Bộ luật dân sự)
Tuy nhiên, bảo lãnh đối với trái phiếu được doanh nghiệp phát hành có 2 dạng: Bảo lãnh phát hành và Bảo lãnh thanh toán.
Đối với bảo lãnh phát hành, đây là phương thức bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư mua trái phiếu thông qua tổ chức bảo lãnh phát hành hoặc tổ hợp bảo lãnh phát hành. Hay nói cách khác, bảo lãnh phát hành là ngân hàng giúp doanh nghiệp phát hành bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư. Khi ngân hàng là đơn vị phát hành, ngân hàng sẽ đánh giá, thẩm định, và tổ chức bán lại cho các nhà đầu tư khác. Mức độ đánh giá, thẩm định đối với doanh nghiệp và lô trái phiếu sẽ rất cao vì đây được coi là một khoản tín dụng lớn của ngân hàng. Tuy nhiên trong trường hợp này, ngân hàng không có bất cứ nghĩa vụ nào đối với người mua.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp bảo lãnh thanh toán, khi doanh nghiệp phát hành không trả được nợ lãi, gốc thì tổ chức bảo lãnh thanh toán có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán cho doanh nghiệp phát hành theo cam kết bảo lãnh giữa tổ chức bảo lãnh thanh toán và doanh nghiệp phát hành nêu tại phương án phát hành trái phiếu và đã được công bố thông tin cho nhà đầu tư. (Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP).
Tuy nhiên, khi mua trái phiếu bảo đảm được bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, người mua cần lưu ý về cam kết thanh toán giữa doanh nghiệp phát hành và tổ chức tín dụng bởi cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh giữa doanh nghiệp phát hành và tổ chức tín dụng có thể là toàn bộ nghĩa vụ hoặc chỉ một phần nghĩa vụ. Tức là cam kết bảo lãnh có thể là ngân hàng sẽ thay doanh nghiệp trả toàn bộ gốc, tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả,... hoặc cũng có thể chỉ bảo lãnh một phần (theo thỏa thuận) và phần còn lại nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro. Vì vậy người dân cần nắm được thông tin này trước khi đầu tư để hiểu rõ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh chịu những rủi ro không đáng có.
Lưu ý: Những loại trái phiếu có bảo đảm thì rủi ro cho nhà đầu tư sẽ thấp hơn nhưng lợi nhuận sẽ không cao vượt trội mà chỉ xấp xỉ hoặc cao hơn lãi suất ngân hàng một chút.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com