Chào Luật sư, con muốn hỏi về một việc như sau: Con hiện đang mang quốc tịch Đài Loan, cũng có đi nghĩa vụ quân sự ở Đài Loan xong. Sắp tới gia đình con chuyển hẳn về Việt Nam sinh sống. Vậy khi con qua Việt Nam nhập thêm quốc tịch Việt Nam thì có phải đi nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam nữa không? Việc con đã đi quân sự ở Đài Loan và có hai quốc tịch thì có được miễn nghĩa vụ quân sự không? Mong được giải đáp.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

  1. Căn cứ pháp lý
  • Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008
  • Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015
  • Nghị định 16/2020/NĐ-CP
  1. Nội dung tư vấn

Bạn hiện đang có quốc tịch Đài Loan, và sắp tới chuẩn bị nhập thêm quốc tịch Việt Nam. Đối với trường hợp này, để có thể đồng thời có cả hai quốc tịch (Việt Nam và Đài Loan) thì bạn phải thuộc một trong 4 trường hợp công dân Việt Nam có 2 quốc tịch theo quy định tại Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, gồm:

  • Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam (theo quy định tại khoản 2 Điều 13).
  • Trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài (theo khoản 3 Điều 9 Luật Quốc tịch Việt Nam; Điều 9 Nghị định 16/2020/NĐ-CP).
  • Trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài (theo khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008; Điều 14 Nghị định 16/2020/NĐ-CP).
  • Trường hợp trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi (Điều 37 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008).

Do bạn không nói rõ bạn nhập Quốc tịch Việt Nam theo diện nào nên bạn cần căn cứ vào các trường hợp cụ thể để xác định bạn có được mang 2 quốc tịch hay không. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, khi đã nhập quốc tịch Việt Nam thì bạn được xác định là công dân Việt Nam, không phân biệt việc bạn có thêm quốc tịch khác hay không. Khi đó, bạn sẽ được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm các quyền công dân và phải làm tròn các nghĩa vụ công dân đối với nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật  - Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.

        Đồng thời theo quy định tại Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, cụ thể tại khoản 2 Điều 4 có quy định: “công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này”.

Trong đó, theo quy định tại Điều 30, 31 Luật nghĩa vụ quân sự 2014 thì độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự (độ tuổi gọi nhập ngũ) được xác định: “công dân đủ q8 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi”.

Ngoài ra, công dân được gọi nhập ngũ còn phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn khác như: Có lý lịch rõ ràng; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định; có trình độ văn hóa phù hợp.

Từ những phân tích trên, có thể khẳng định, khi bạn nhập quốc tịch Việt Nam, trở thành công dân Việt Nam thì dù bạn có đồng thời hai quốc tịch (Việt Nam và Đài Loan) thì bạn vẫn phải tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự nếu bạn nằm trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự và đáp ứng các tiêu chuẩn gọi nhập ngũ theo quy định.

Việc bạn mang hai quốc tịch hay đã thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Đài Loan không phải là căn cứ để miễn nghĩa vụ quân sự, vì theo quy định của pháp luật hiện hành, bạn chỉ được miễn nghĩa vụ quân sự nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, cụ thể gồm các trường hợp:

  • Con của Liệt sĩ, con của thương binh hạng 1.
  • Một anh hoặc một em trai của Liệt sĩ;
  • Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
  • Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;
  • Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt về trở lại quốc tịch Việt Nam. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer