Câu hỏi:

Theo tôi được biết, một trong những điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất thực phẩm là việc tuân thủ nguyên tắc một chiều. Vậy rất mong luật sư tư vấn thế nào là nguyên tắc một chiều đối với cơ sở sản xuất thực phẩm. Tôi xin chân thành cảm ơn!

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Với thắc mắc của  bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo quy định tại Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12/09/2012 quy định chi tiết về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: quy trình sản xuất thực phẩm phải được thiết kế, bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng.

Như vậy, nguyên tắc một chiều ở đây được hiểu là việc thiết kế, bố trí khu sản xuất thực phẩm sao cho các hoạt động sản xuất từ tiếp nhận nguyên liệu đến sơ chế, chế biến, làm chín, chia, phân loại, bảo quản, vận chuyển, phục vụ thực khách được thực hiện theo trình tự lần lượt và theo một chiều duy nhất. Các khu vực của từng công đoạn được ngăn cách hoặc tách biệt với nhau.

Việc tuân thủ nguyên tắc một chiều nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ nhầm lẫn, tích tụ bụi bẩn ô nhiễm đến thực phẩm, tránh sự chồng chéo trong các khâu nấu ăn, phục vụ và tránh va chạm giữa các thực phẩm sống, thực phẩm chín, đảm bảo chất lượng của thức ăn và duy trì hoạt động vệ sinh hàng ngày.

Thực hiện tốt nguyên tắc một chiều trong sản xuất thực phẩm không những đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn giúp nhân viên các bộ phận của bếp, nhà xưởng hoạt động thuận tiện hơn và không bị cản trở nhau trong suốt quá trình làm việc.

Một hệ thống sản xuất thực phẩm thường được thiết kế, sắp xếp theo quy trình và phân chia thành các khu vực sau:

  1. Khu tiếp nhận nguyên liệu

Khi thực phẩm tươi, sống được chuyển đến sẽ được kiểm tra về số lượng, chất lượng, độ tươi, sạch…

  1. Khu sơ chế rửa thô thực phẩm

Các nguyên liệu được sơ chế trước khi chuyển vào khu vực tiếp theo (khu bếp, khu đông lạnh, lưu trữ,…)

  1. Khu chế biến tẩm ướp

Sau khi sơ chế, nguyên liệu được chuyển tới khu chế biến, ở đây diễn ra các hoạt động chế biến, tẩm ướp thực phẩm, xử lý nguyên liệu cho từng món ăn.

  1. Khu nấu, làm chín

Tại đây, thức ăn được nấu chín và đưa ra bàn/giá/tủ đựng đồ ăn chín. Khu nấu, làm chín, có chụp hút khói ngăn mùi để đảm bảo không gian thông thoáng, vệ sinh và không ảnh hưởng tới các khu vực khác.

  1. Khu chia soạn đồ ăn, đóng gói

Sau khi nấu xong, thức ăn sẽ được chuyển đến khu soạn chia, khu phân loại, chia đồ ăn ra khay, đĩa, đóng gói và chuyển đến phục vụ đồ ăn cho khách.

Các khu vực trên phải được ngăn cách hoặc tách biệt để tránh sự lây nhiễm, xáo trộn nguyên liệu, thực phẩm giữa các khu vực của cơ sở sản xuất thực phẩm.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer