Cho tôi hỏi: Gần đây tôi nhận được rất nhiều tin nhắn quảng cáo lúc nửa đêm làm ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của tôi và gia đình. Tôi đã chặn những số điện thoại đó nhưng lại có thêm số điện thoại khác nhắn vào máy. Xin hỏi việc nhắn tin quảng cáo như vậy có vi phạm pháp luật không? Tôi nên làm thế nào để xử lý triệt để tình trạng này?
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 91/2020/NĐ-CP, tin nhắn quảng cáo được định nghĩa như sau:
“Tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo là tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân; tin nhắn chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp viễn thông.”
Đồng thời cũng theo Điều 11 Nghị định 91 nêu trên, người quảng cáo chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo đến người sử dụng khi được người sử dụng đồng ý trước về việc nhận quảng cáo qua một trong các cách sau:
a) Đồng ý nhận tin nhắn quảng cáo khi người quảng cáo gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên và duy nhất
b) Khai báo và xác nhận vào mẫu đăng ký trên giấy in, Cổng/Trang thông tin điện tử, các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội của Người quảng cáo;
c) Gọi điện thoại hoặc nhắn tin đến tổng đài thoại của Người quảng cáo để đăng ký;
d) Sử dụng phần mềm hỗ trợ đăng ký nhận quảng cáo.
Do đó nếu giữa các bên không có sự thỏa thuận nào khác hoặc tin nhắn quảng cáo không thuộc nhóm tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân; tin nhắn chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp viễn thông thì việc nhắn tin quảng cáo sau 22h đêm được xem là hành vi quấy rối người tiêu dùng. Cụ thể “Quấy rối người tiêu dùng là hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người tiêu dùng để giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hoặc đề nghị giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng, gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.” - khoản 4 Điều 3 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010:
Về hình thức xử lý vi phạm: theo điểm c khoản 32 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 27/01/2022) mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với các hành vi:
- Gửi tin nhắn quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 07h - 22h mỗi ngày hoặc gọi điện thoại quảng cáo từ 8h - 17h mỗi ngày mà không có thỏa thuận với người sử dụng.
- Không có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo;
- Không cung cấp cho người sử dụng công cụ tra cứu hoặc lưu trữ các thỏa thuận về việc đăng ký, từ chối cuộc gọi quảng cáo, tin nhắn đăng ký quảng cáo trên Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội của mình để phục vụ việc thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Không hướng dẫn người sử dụng dịch vụ về cách thức chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác….
Về cách xử lý, chặn tin nhắn quảng cáo, bạn đọc tham khảo tại: Cách xử lý tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác
Xử lý các trường hợp gọi điện quảng cáo gây phiền toái
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com