Hình ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Internet.

1. Khái niệm phụ lục hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2012: Phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động, có hiệu lực như hợp đồng lao động. Phụ lục hợp đồng lao động được ký kết để quy định thêm, sửa đổi hoặc làm rõ hơn một vài điều khoản của hợp đồng lao động.

2. Các loại phụ lục hợp đồng lao động:

Về cơ bản có hai loại Phụ lục hợp đồng lao động như sau:

  • Phụ lục quy định bổ sung hoặc sửa đổi một số nội dung HĐLĐ: Loại phụ lục hợp đồng này thường được lập sau khi đã có hợp đồng lao động chính. Phụ lục hợp đồng sẽ điều chỉnh một vài nội dung của HĐLĐ như thời hạn của hợp đồng, chức danh công việc, tiền lương, phụ cấp hoặc các chế độ phúc lợi,…
  • Phụ lục quy định chi tiết một số nội dung trong HĐLĐ: Loại phụ lục này thường được lập cùng thời điểm giao kết Hợp đồng lao động, cũng có thể lập sau khi đã có HĐLĐ chính. Phụ lục hợp đồng này sẽ quy định chi tiết công việc thực hiện, thời hạn hoặc làm rõ một vài điều khoản trong HĐLĐ.

3. Lưu ý khi lập phụ lục hợp đồng lao động:

  • Đối với những Phụ lục hợp đồng lao động giao kết sau hợp đồng lao động chính thì trong phụ lục phải có thông tin của các bên giao kết (giống phần mở đầu của HĐLĐ).
  • Phụ lục HĐLD để quy định chi tiết một số nội dung của HĐLĐ thì phải đảm bảo không dẫn đến cách hiểu khác với nội dung trong HĐLĐ chính, nếu không sẽ không được thực hiện.

(Theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Bộ luật lao động 2012: “…Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động”.)

  • Phụ lục HĐLĐ dùng để sửa đổi, bổ sung một số nội dung của HĐLĐ thì cần ghi rõ điều khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực. (Khoản 2 Điều 24 Bộ luật lao động 2012)
  • Phụ lục HĐLĐ sửa đổi thời hạn HĐLD thì không được làm thay đổi loại HĐLĐ đã giao kết (Ví dụ: không được chuyển từ hợp đồng có thời hạn 2 năm thành hợp đồng không xác định thời hạn).
  • Số lần ký kết Phụ lục HĐLĐ không bị giới hạn, trừ trường hợp Phụ lục này sửa đổi thời hạn HĐLD (Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì “Thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại Khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động.”)

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP đối với hành vi sửa đổi quá một lần thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động hoặc khi sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động làm thay đổi loại hợp đồng lao động đã giao kết sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

“a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”

Để nhận được ý kiến tư vấn và báo giá dịch vụ, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer