Hoạt động nuôi chim yến vốn có những đặc thù riêng, đặc biệt là sử dụng loa phóng thanh để dẫn dụ yến, xây dựng nhà yến. Pháp luật về chăn nuôi đã có những quy định về quản lý nuôi chim yến để tránh hậu quả gây ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm môi trường từ hoạt động này.
Liên quan đến nội dung này, thực tế hiện nay có rất nhiều phản ánh của người dân về việc nuôi chim yến trong khu dân cư. Điều này đã gây bức xúc cho cư dân sinh sống xung quanh vì bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và sự mất vệ sinh. Vậy, việc nuôi nhà yến trong khu dân cư như vậy có được phép không? Và phải xử lý như thế nào nếu trong khu dân cư có nhà nuôi yến?
1. Quy định của pháp luật về khu vực nuôi chim yến
Khoản 1 Điều 25 Nghị định 13/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 05/3/2020) quy định về vùng nuôi chim yến. Theo đó, hoạt động nuôi chim yến sẽ thực hiện trong vùng nuôi theo quy định. Trong đó, tại mỗi địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định vùng nuôi chim yến tại địa phương mình.
Khi đó, vùng nuôi chim yến phải đảm bảo “phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến”. Đồng thời, cơ sở nuôi chim yến phải “có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động nuôi chim yến, có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường” (theo điểm b, Khoản 2 Điều 25 Nghị định 13/2020/NĐ-CP).
Đặc biệt, đối với trường hợp nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị định 13/2020/NĐ-CP này có hiệu lực thi hành (trước ngày 05/3/2020) nhưng không đáp ứng về vùng nuôi chim yến, nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300 m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh (theo điểm đ, Khoản 2 Điều 25 Nghị định 13/2020/NĐ-CP).
Trong đó, “loa phóng là thiết bị âm thanh để dẫn dụ chim yến, được đặt xung quanh lối ra, vào của chim yến” (theo điểm b Khoản 1 Điều 1 Nghị định 46/2022/NĐ-CP). Còn đối với loa dẫn (loa ru) ở trong nhà nuôi yến thì vẫn được phép sử dụng.
Như vậy, theo quy định hiện hành, hoạt động nuôi chim yến về nguyên tắc sẽ được thực hiện tại vùng nuôi tại địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Việc nuôi chim yến ngoài vùng nuôi trong trường hợp nhà yến đã hoạt động trước ngày 05/3/2020 nhưng không đáp ứng về vùng nuôi chim yến, nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300 m thì sẽ không được sử dụng loa phóng phát âm thanh.
2. Quy định của pháp luật về hoạt động dẫn dụ chim yến
Một trong những hoạt động nuôi chim yến không thể thiếu đó là dẫn dụ yến. Theo đó, “dẫn dụ chim yến là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để thu hút chim yến về làm tổ trong nhà yến” (theo Khoản 1 Điều 64 Luật chăn nuôi 2018). Trong thực tế, biện pháp kỹ thuật được sử dụng để dẫn dụ yến phổ biến nhất là sử dụng thiết bị âm thanh.
Căn cứ tại điểm d, Khoản 2 Điều 25 Nghị định 13/2020/NĐ-CP, việc sử dụng thiết bị âm thanh để dẫn dụ chim yến phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, tránh ô nhiễm tiếng ồn gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của cư dân xung quanh. Cụ thể như sau:
“Thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A); thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 19 giờ mỗi ngày”.
Từ quy định trên có thể thấy, trường hợp cơ sở nuôi yến hoạt động trong vùng nuôi hợp pháp thì được sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến. Khi đó, cần đảm bảo theo quy định về cường độ âm thanh và thời gian phát loa để không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực.
Ảnh minh họa (nguồn:Internet)
3. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động nuôi chim yến
Hành vi vi phạm quy định về hoạt động nuôi chim yến sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 27 Nghị định 14/2021/NĐ-CP. Cụ thể:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
Đối với hành vi sử dụng loa phóng phát âm thanh để dẫn dụ chim yến trong trường hợp nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300 m hoạt động trước ngày Nghị định số 13/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
Đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến vượt mức tiếng ồn tối đa cho phép theo quy định (Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện biện pháp giảm tiếng ồn theo quy định).
- Phát âm thanh để dẫn dụ chim yến ngoài khoảng thời gian theo quy định.
Lưu ý:
- Mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm.
Khi phát hiện những hành vi vi phạm về hoạt động nuôi chim yến của cá nhân/tổ chức, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt của mình thì cách xử lý nhanh nhất là cư dân có quyền làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đó với chính quyền địa phương như: UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh.
Trong trường hợp vụ việc phức tạp, đã tố cáo nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng thì có thể làm đơn tố cáo đến Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cao hơn là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Đồng thời, cung cấp thông tin, những tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm mà thu thập được.
Bài viết tham khảo:
Nếu có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào hoặc khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Sao Việt, bạn đọc vui lòng liên hệ Chuyên viên và Luật sư của chúng tôi thông qua những hình thức sau đây.
Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com