Quỳnh Thương: Hiện nay, việc xác định lại giới tính để được sống thật với chính mình không còn là chuyện xa lạ. Tuy nhiên, một số người sau khi xác định lại giới tính thì bị mọi người xung quanh, thậm chí là bố mẹ đẻ kỳ thị, hắt hủi và chế giễu. Nhiều người còn có những lời nói và hành động xúc phạm, thể hiện sự phân biệt đối xử với họ. Vậy em muốn hỏi việc kỳ thị và phân biệt đối xử với những người đã xác định lại giới tính có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì những người đó có thể bị xử lý như thế nào?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Xác định lại giới tính là trường hợp những người có giới tính bị khuyết tật bẩm sinh, về căn bản họ chỉ bị khuyết tật về bộ phận sinh dục, nên nhu cầu thực sự của họ không phải là chuyển đổi giới tính mà họ chỉ muốn trở về giới tính sinh học thực chất của họ, họ chỉ muốn có cấu tạo bên ngoài và bên trong cơ thể thống nhất.

Quyền xác định lại giới tính là quyền của mỗi cá nhân, được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

Căn cứ theo Điều 4 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BYT (Nghị định 88/2008/NĐ-CP  Nghị định 155/2018/NĐ-CP) về các hành vi bị nghiêm cấm trong việc xác định lại giới tính được pháp luật quy định như sau:

“1. Thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính.

2. Thực hiện việc xác định lại giới tính khi chưa được phép của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

3. Tiết lộ thông tin về việc xác định lại giới tính của người khác.

4. Phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính.”

Theo quy định nêu trên, pháp luật nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân có hành vi phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính. Trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi pbiệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính đều bị coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định. Căn cứ theo tính chất, mức độ mà người thực hiện hành vi phân biệt đối xử với những người đã xác định lại giới tính có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác.

-Về xử phạt hành chính: Theo Khoản 1 Điều 45 Nghị định 117/2020/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 15/11/2020) quy định xử phạt vi phạm quy định về xác định lại giới tính như sau:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Tiết lộ thông tin về việc xác định lại giới tính của người khác; Phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính.”

Bên cạnh đó, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi trực tiếp người bị phân biệt đối xử.

-Về trách nhiệm hình sự: Nếu hành vi phân biệt đối xử của người vi phạm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, có các yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 thì bị truy tố theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”  

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”

Như vậy, trong trường hợp cá nhân có hành vi phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác. Ngoài ra, còn buộc phải xin lỗi trực tiếp người đã xác định lại giới tính mà bị phân biệt đối xử.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer