Vạch xương cá có lẽ là cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất trong những ngày vừa qua. Ngay khi clip về một tình huống đè vạch xương cá vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ được đăng tải trên các trang mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Điều đáng nói trong clip này là vạch xương cá nối liền vào phần đường dành cho xe máy trước đó và bên trái là vạch kẻ liền, đã vô tình khiến người xe máy rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục đi thẳng thì mắc lỗi đè vạch xương cá, nếu đi sang làn bên trái để né vạch xương cá thì lại mắc lỗi đè vạch kẻ liền ( theo Dân trí). Vậy pháp luật quy định thế nào về vạch xương cá? Mắc lỗi đè vạch xương cá vị xử phạt như thế nào?
Ảnh minh họa: Internet
Căn cứ pháp lý:
+ QCVN 41:2019/BGTVT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ
+ Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022
Vạch xương cá là gì?
Vạch xương cá là cách gọi dân dã thay cho Vạch 4.2: vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V được quy định tại Phụ lục G QCVN 41:2019/BGTVT.
Ý nghĩa sử dụng: Vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V được sử dụng để giới hạn các phần mặt đường không sử dụng cho xe chạy mà sử dụng để kênh hóa các dòng giao thông giao thông trên đường. Khi vạch 4.2 được sử dụng, các phương tiện giao thông phải đi theo tuyến đường quy định, không được lấn vạch hoặc cắt qua vạch trừ những trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ.
Quy cách vạch như sau:
Vạch 4.2 bao gồm các vạch liền nét, màu trắng được vẽ song song, mỗi vạch rộng 45 cm, khoảng cách hai mép vạch 100 cm, vạch nghiêng một góc 135o theo chiều ngược chiều kim đồng hồ so với hướng chuyển động của xe. Vạch xác định phạm vi kẻ vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V là vạch đơn liền nét, màu trắng. Vạch này có bề rộng nét vẽ b = 20 cm. Hình G.28 minh họa cách vẽ vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V.
Hình G.28 - Minh họa cách vẽ vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V
Như vậy, tương tự như vạch kẻ liền, người tham gia giao thông không được dừng đỗ xe, hay đi đè lên vạch xương cá.
Lỗi đè vạch xương cá bị xử lý thế nào?
Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định, đi đè lên vạch xương cá sẽ bị phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.
Mức phạt được quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm i Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:
Đối với ô tô: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng + Tước quyền sử dụng GPLX từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông
Đối với xe máy: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng + Tước quyền sử dụng GPLX từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông
Trở lại với vụ việc nêu trên, có rất nhiều ý kiến cho rằng việc kẻ vạch xương cá như vậy đã vô tình gài bẫy người dân, trong hoàn cảnh đó cho dù người điều khiển xe máy tiếp tục đi thẳng hay xinhan chuyển làn thì đều bị xử lý vi phạm hành chính về lỗi đè vạch kẻ liền hoặc đè vạch xương cá, thiết nghĩ phải có phương án kẻ lại vạch sao cho hợp lý; lắp đặt tín hiệu cảnh báo, chỉ dẫn đối với đoạn đường nguy hiểm hay xảy ra tai nạn. Với người dân, khi tham gia giao thông cần lưu ý các cung đường có vạch xương cá, nên đi trên đúng làn đường dành cho xe, quan sát an toàn và thực hiện chuyển, nhập làn khi đến đoạn đường có nét đứt, tuyệt đối không đi đè lên vạch xương cá.
Hiện vụ việc đang được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, đề xuất phương án khắc phục, xử lý trên cơ sở đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com