Ngân hàng phá sản là trường hợp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là điều không bao giờ xảy ra bởi theo Luật tổ chức tín dụng 2010, nếu hoàn toàn mất khả năng thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ không áp dụng các biện pháp phục hồi mà cho phép ngân hàng, các tổ chức tín dụng được yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản. Vậy nếu rơi vào trường hợp ngân hàng phá sản thì quyền lợi của người gửi tiền sẽ được đảm bảo như thế nào? Đây là câu hỏi mà rất nhiều người dân quan tâm hiện nay, đặc biệt sau sự kiện ngân hàng SCB gây xôn xao dư luận vừa qua.
I. Khi nào ngân hàng bị tuyên bố phá sản?
Ngân hàng sẽ phá sản nếu như mất khả năng thanh khoản, tuy nhiên trên thực tế việc một ngân hàng phá sản không dễ dàng như vậy bởi khi một ngân hàng thương mại lâm vào khó khăn thì ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra các biện pháp phục hồi, thậm chí bơm tiền để “mua lại” ngân hàng đó nhằm cứu vãn tình hình. Bên cạnh đó, thủ tục phá sản của các ngân hàng, tổ chức tín dụng tại Việt Nam rất phức tạp và phải trải qua nhiều giai đoạn, cụ thể tại Điều 155 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) quy định về việc phá sản của ngân hàng như sau:
“Điều 155. Phá sản tổ chức tín dụng
1. Sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn lâm vào tình trạng phá sản, thì tổ chức tín dụng đó phải làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
2. Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.
“3. Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép của tổ chức tín dụng.”
II. Thứ tự thanh toán khi ngân hàng phá sản
Sau khi Ngân hàng bị TÒA ÁN tuyên bố phá sản, các thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng sẽ được thực hiện. Trong đó, các khoản chi trả và bồi hoàn được thực hiện theo thứ tự như sau:
Một là, ngân hàng phải hoàn trả khoản vay đặc biệt này cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác trước khi thực hiện việc phân chia tài sản nếu như trước đó ngân hàng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (Điều 100 Luật Phá sản 2014)
Hai là, thứ tự thanh toán các khoản sau khi hoàn trả khoản vay đặc biệt cho Ngân hàng nhà nước được quy định tại Điều 101 Luật Phá sản 2014 như sau:
1. Chi phí phá sản;
2. Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
3. Khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phá sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
4. Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
III. Quyền lợi của người gửi tiền được giải quyết như thế nào?
Theo quy định nêu trên, người gửi tiền sẽ được hoàn trả tiền gửi sau khi ngân hàng đã thanh toán toàn bộ các chi phí trước đó và được chi trả một khoản tiền bảo hiểm tiền gửi.
1. Đối với khoản tiền hoàn trả từ phía ngân hàng:
Người gửi có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản sau khi ngân hàng đã chi trả toàn bộ các khoản tiền vay Ngân hàng nhà nước, chi phí phá sản, chi phí giải quyết quyền lợi cho người lao động.
2. Đối với bảo hiểm tiền gửi
Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. Theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 thì các ngân hàng đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách. Hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi khi ngân hàng phá sản theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ là 125 triệu đồng. Như vậy, số tiền tối đa bảo hiểm trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (cả gốc và lãi) của một người tại một ngân hàng khi ngân hàng phá sản là 125 triệu đồng.
Điều đó đồng nghĩa với việc nếu một người gửi vào ngân hàng 1tỷ nhưng sau đó ngân hàng phá sản thì cũng chỉ được đền bù tối đa 125 triệu đồng.
Tuy nhiên, đây không phải tất cả số tiền mà người gửi nhận được, bên cạnh việc nhận tiền bảo hiểm, người gửi sẽ có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.
Lưu ý những khoản tiền gửi sau đây không được bảo hiểm:
1. Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.
2. Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
3. Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.