Bạn trai tôi là người Trung Quốc đang muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Do không thể làm người đại diện theo pháp luật nên anh ấy muốn tôi đứng tên đại diện cho công ty. Vậy cho tôi hỏi: Nếu tôi đứng tên hộ thì có rủi ro gì cho tôi hay không? Tôi xin cảm ơn.

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi những thắc mắc của mình đến Luật Sao Việt. Về câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Việc bạn đứng tên làm người đại diện theo pháp luật cho một công ty mà bạn không trực tiếp quản lý, cũng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó sẽ mang lại cho bạn rất nhiều rủi ro bao gồm:

1. Rủi ro về mặt pháp luật:

Khi đứng tên công ty thay cho người khác nghĩa là bạn đang trở thành người đại diện theo pháp luật, chắc chắn sẽ bị liên đới chịu trách nhiệm nếu như hoạt động của công ty phi pháp hoặc nghiêm trọng hơn là liên quan đến các tội phạm hình sự.

Trở thành người đại diện nghĩa là sẽ có rất nhiều các văn bản, giấy tờ, hợp đồng của công ty mà bạn cần ký tên, đóng dấu. Khi bạn không nắm được hoạt động thực sự của công ty và cũng không có kinh nghiệm quản lý, không đủ hiểu biết trong lĩnh vực công ty đang kinh doanh thì mỗi chữ ký của bạn trong trường hợp này đều chứa đựng những rủi ro. Bạn không thể nói mình không biết gì về hoạt động của công ty khi chữ ký của bạn có trên tất cả các loại giấy tờ. Nếu doanh nghiệp để xảy ra sai phạm hành chính hay vi phạm pháp luật hình sự thì bạn sẽ là người đầu tiên bị cơ quan chức năng “sờ” đến.

Báo chí cũng đã đưa tin nhiều về những vụ án mà người đứng tên phải chịu tội thay cho chủ thực sự, bạn có thể tìm hiểu thêm.

2. Rủi ro về tài chính:

Vì bạn không phải cổ đông/ thành viên thực sự góp vốn nhưng lại có tên trên giấy tờ nên nếu người chủ thực sự phía sau không góp vốn hoặc góp vốn không đủ thì những người đồng sở hữu trong doanh nghiệp có thể khởi kiện và bạn là người phải bồi thường.

Bạn cũng có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ của công ty tương ứng với số tiền vốn góp trên giấy tờ hoặc bằng tất cả tài sản của bạn (nếu thành lập doanh nghiệp tư nhân)

3. Mất thời gian vào các nghĩa vụ bắt buộc với công ty:

Với vai trò là người “đứng tên” công ty nên mặc dù không có thực quyền nhưng các buổi họp, ký tá giấy tờ, tiếp đón thanh tra/kiểm tra thì đều phải có mặt bạn. Những việc tưởng như đơn giản chỉ cần hình thức cũng sẽ tốn của bạn một khoảng thời gian không nhỏ.

4. Hướng xử lý Luật Sao Việt đưa ra cho bạn:

Bạn nên khuyên bạn trai đầu tư theo hướng thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Pháp luật Việt Nam không cấm người nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam vì vậy người nước ngoài có thể thực hiện đầu tư dựa trên nhiều hình thức như thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mua cổ phần/vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam (sau đó bổ sung ngành nghề kinh doanh phù hợp). Mặc dù theo cách làm này thì doanh nghiệp sẽ phải làm thêm một vài thủ tục như xin Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng sẽ thuận lợi về các vấn đề pháp lý sau này, tránh được rủi ro cho cả bạn và cho công ty của người yêu.

Nếu bạn không thể từ chối và buộc phải đứng ra làm người đại diện theo pháp luật thì nên cẩn trọng đối với những giấy tờ mà mình phải ký tá.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt, bạn đọc nếu còn thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer