Xin chào Luật Sao Việt, tôi muốn được tư vấn về như sau: Hồi nhỏ, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, bố tôi lại tự tay làm cho tôi một chiếc đèn lồng sau đó tôi sẽ viết những điều ước của mình lên đèn, canh đúng đêm giao thừa, tôi đốt dây bấc bên trong chiếc đèn và thả lên trời với mong muốn một năm tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Tôi xem phim cũng thấy không chỉ ở Việt Nam mà ở Trung Quốc, Thái Lan cũng có loại đèn này. Tôi thấy đây là một hoạt động rất ý nghĩa và thú vị. Nhân dịp cận kề tết Nguyên đán, tôi có ý tưởng làm ra một số lượng lớn những chiếc đèn này, vừa để bán kiếm thêm thu thập, vừa là để tái hiện lại hoạt động truyền thống xưa. Cho tôi hỏi, tôi có cần phải xin phép chính quyền địa phương để sản xuất không? Mong được giải đáp.
Trả lời:
Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:
Theo như mô tả trong câu hỏi, loại đèn lồng có thể đốt và thả lên trời mà bạn nhắc đến có tên gọi chung là “đèn trời”. Trước đây, hoạt động đốt thả đèn trời là một trong những hoạt động diễn ra phổ biến và dịp lễ, tết ở Việt Nam nói riêng và một số nước châu Á nói chung.
Tuy nhiên, khi sử dụng loại đèn này lại phát sinh những hệ lụy nguy hiểm như cháy nổ, gây thiệt hại về người và tài sản. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg ngày 17/07/2019 về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời”:
“Điều 1. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” trong phạm vi cả nước.”
Tinh thần muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của bạn rất đáng trân trọng, tuy nhiên, đây là hành vi bị cấm, do đó, việc sản xuất số lượng lớn đèn trời là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy, chữa cháy; Cứu nạn, cứu hộ; Phòng, chống bạo lực gia đình:
“Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
đ) Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển “đèn trời”;”
Như vậy, mức xử phạt đối với hành vi sản xuất đèn trời đối với cá nhân là từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật theo quy định tại điểm a, khoản 13 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021: “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, d, đ và g khoản 2; điểm đ khoản 3; các điểm b, e và i khoản 4; các điểm a, b và c khoản 5; các khoản 6 và 10 Điều này;”
Mong rằng những thông tin tư vấn trên đây của chúng tôi sẽ có ích cho bạn và giúp bạn có hướng đi khác trong công cuộc giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của người Việt Nam.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com