1, Căn cứ pháp lý

  • Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự nơi công cộng
  • Thông tư 09/2005/TT-BCA hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 38/2005/NĐ-CP

2, Khái niệm tập trung đông người

Dưới góc độ pháp lý, khái niệm tập trung đông người ở nơi công cộng được quy định tại Mục 4 Thông tư 09/2005/TT-BCA. Theo đó, các trường hợp được xem là tập trung đông người tại nơi công cộng phải đáp ứng các yếu tố sau đây:

+ Số lượng người: tổ chức tập trung từ 5 người trở lên

+ Địa điểm tập trung: tại các khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người như vỉa hè, lòng đường, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng; tại khu vực trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tại những nơi công cộng khác

+ Mục đích tập trung: nhằm đưa ra yêu cầu hoặc kiến nghị về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, gia đình, tổ chức hoặc nhằm đưa ra những yêu cầu, kiến nghị về những vấn đề có liên quan chung đến đời sống chính trị - xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

3, Điều kiện tập trung đông người nơi công cộng

Theo quy định pháp luật, để đảm bảo trật tự công cộng, mọi hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng (trừ những hoạt động do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức) đều phải đăng ký trước với Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Việc đăng ký hoạt động tập trung đông người sẽ do cá nhân đứng ra đăng ký hoặc do người đại diện cho tổ chức đăng ký hoạt động, đồng thời, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đăng ký và quá trình thực hiện các hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng.

Người đăng ký hoặc người đại diện cho tổ chức đăng ký hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Độ tuổi: từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ

+ Không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc đang phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế; người bị phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách.

b) Người đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc đang phải chấp hành các biện pháp xử lý hành chính: quản chế; giáo dục tại xã, phường thị trấn.

c) Người đang trong thời gian được tạm hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù hoặc đang được tạm hoãn thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.

d) Người đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích; người đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản chế hành chính; đưa vào cơ sở chữa bệnh; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào trường giáo dưỡng nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính.

Lưu ý: Thời gian tiến hành các hoạt động đó chỉ được phép diễn ra trong khoảng thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4, Thủ tục đăng ký tập trung đông người ở nơi công cộng

Bước 1: Chuẩn bị Hồ sơ đăng ký hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng gồm:

a) Bản đăng ký hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng (theo mẫu số 01/ĐK kèm theo thông tư này);

b) Sơ yếu lý lịch của người đăng ký hoặc người đại diện cho tổ chức đăng ký hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng (theo mẫu số 02/SYLL kèm theo Thông tư này).

Bước 2: Nộp hồ sơ

+ Thời điểm nộp hồ sơ: Trước khi tiến hành các hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng,

+ Người nộp hồ sơ: người đăng ký hoặc người đại diện cho tổ chức đăng ký các hoạt động

+ Địa điểm nộp hồ sơ: Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến sẽ diễn ra hoạt động đó, cụ thể như sau:

a) Nộp tại UBND huyện: áp dụng với Trường hợp hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng chỉ diễn ra trong phạm vi một huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh

b) Nộp tại UBND tỉnh: Trường hợp hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng diễn ra trong phạm vi nhiều huyện hoặc chỉ trong phạm vi một huyện, nhưng có người của nhiều huyện, nhiều tỉnh tham gia hoặc trường hợp người của tỉnh này sáng tập trung đông người ở tỉnh khác thì phải đăng ký với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi dự kiến sẽ diễn ra các hoạt động đó.

+ Giấy tờ cần xuất trình khi nộp hồ sơ đăng ký: Khi nộp hồ sơ đăng ký, phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế chứng minh nhân dân để đối chiếu.

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và giải quyết

Thời hạn giải quyết: 7 ngày (không kể ngày thứ bảy, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định), kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ

Sau khi nghiên cứu, xem xét toàn diện những vấn đề có liên quan đến việc bảo đảm an ninh, trật tự công cộng, UBND có thẩm quyền ra quyết định cho phép hoặc không cho phép tiến hành các hoạt động đó và phải thông báo bằng văn bản cho người đã nộp hồ sơ đăng ký biết (theo mẫu số 03A/TB hoặc mẫu số 03B/TB).

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer