Những ngày vừa qua, hàng loạt vụ việc bóc phốt bảo hiểm nhân thọ được đăng tải trên các diễn đàn mạng xã hội, gây xôn xao dư luận. Đặc biệt là sau sự việc một nữ diễn viên phát trực tiếp trên trang cá nhân, chia sẻ về việc bản thân và gia đình đã mua bảo hiểm nhân thọ nhưng phát hiện ra các điều khoản trong hợp đồng không đúng với những gì được tư vấn lại càng khiến dư luận hoang mang hơn nữa.
Mặc dù Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã quy định rõ ràng về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi giao kết hợp đồng với khách hàng. Cụ thể khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm. Đồng thời, đối với bên mua: bên mua có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm và giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm theo Điều 21 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022.
Vì vậy, nếu trên thực tế đúng là có sự việc doanh nghiệp bảo hiểm, nhân viên tư vấn bảo hiểm mập mờ trong việc cung cấp, tư vấn, giải thích cho khách hàng các điều khoản hợp đồng, thì đây được xem là hành vi vi phạm quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Khi đó các hậu quả pháp lý mà doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải đối diện gồm:
- Bị người mua hủy bỏ hợp đồng, và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho người mua
- Bồi thường thiệt hại (nếu có) cho bên mua
- Thực hiện các thỏa thuận khác theo hợp đồng
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức cố tình không cung cấp, giải thích các điều khoản, điều kiện cho khách hàng hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm còn bị xử phạt hành chính theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP và khoản 7 Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP như sau:
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
b) Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;
c) Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính;
d) Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.
đ) Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.
Lưu ý: Mức xử phạt được quy định trên đây là mức xử phạt đối với cá nhân. Mức xử phạt đối với tổ chức sẽ bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Theo điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 98/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị định 80/2019/NĐ-CP)
Nghiêm trọng hơn, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có nguy cơ bị xử lý hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Để bảo vệ quyền lợi của bản thân, hạn chế các rủi ro pháp lý, khi mua bảo hiểm nhân thọ, người dân cần trực tiếp xem xét và cân nhắc các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm đặc biệt là các điều khoản liên quan đến phí bảo hiểm, thời gian đóng, quyền lợi được hưởng, các trường hợp loại trừ,…Trường hợp có vướng mắc, người mua cần liên hệ với các cá nhân, đơn vị có kiến thức chuyên môn, am hiểu pháp luật để được tư vấn cụ thể.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com