Câu hỏi : Vợ tôi hiện nay vì lý do sức khỏe nên muốn ủy quyền lại cho tôi đi rút tiền tiết kiệm tại ngân hàng và lĩnh lương hưu. Vậy tôi muốn hỏi thủ tục ủy quyền các nội dung nêu trên được pháp luật quy định như thế nào ?
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật, hiện nay nếu như vì lý do sức khỏe hoặc một lý do nào đó người vợ không thể trực tiếp đi nhận lương hưu cũng như ra tới các ngân hàng để thực hiện các giao dịch liên quan đến sổ tiết kiệm có thể ủy quyền cho người chồng hoặc các con của mình đi thực hiện. Nhưng tốt nhất nên ủy quyền cho người chồng hoặc nếu ủy quyền cho các con sẽ cần có ý kiến của người chồng chấp nhận cho giao dịch này do liên quan đến yếu tố xác định tài sản chung, tài sản riêng của hai vợ chồng.
· Căn cứ pháp lý về quyền ủy quyền liên quan đến sổ tiết kiệm và lĩnh lương hưu
- Người gửi tiền tiết kiệm được quyền ủy quyền cho người khác thực hiện các giao dịch rút tiền gửi tiết kiệm theo quy định tại Điều 18 và Điều 24 Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-NHNN ngày 21/05/2014 Quyết định về việc ban hành quy chế về tiền gửi tiết kiệm.
- Ủy quyền lĩnh lương hưu được quy định tại Khoản 6 - Điều 18 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định người lao động được quyền ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Nơi nhận tiền lĩnh lương hưu là nơi trực tiếp chi trả bảo hiểm xã hội.
· Thủ tục thực hiện công việc ủy quyền theo quy định pháp luật
- Hồ sơ cần chuẩn bị khi tiến hành lập hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền (bản chính để đối chiếu khi thực hiện công chứng và bản photo để văn phòng công chứng tiến hành lưu hồ sơ):
+) Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn hai vợ chồng;
+) Sổ tiết kiệm ngân hàng;
+) Giấy lĩnh lương hưu hoặc sổ lương hưu;
- Có thể lập giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền tại một trong các cơ quan sau : Tại ngân hàng; UBND xã, phường thị trấn nơi người ủy quyền cư trú hoặc Văn phòng công chứng (tùy thuộc vào quy định của từng ngân hàng hoặc nơi chi trả bảo hiểm xã hội).
Khi đến một trong các địa điểm nêu yêu cầu người ủy quyền và người được ủy quyền cùng có mặt để thực hiện thủ tục ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện các giao dịch nêu trên. Đối với trường hợp người vợ vì lý do sức khỏe không thể đến trực tiếp đến các địa điểm nêu trên để thực hiện thủ tục ủy quyền theo quy định của pháp luật. Chồng có thể mời công chứng viên đến tận nhà thực hiện thủ tục lấy chữ ký của người ủy quyền và người được ủy quyền.
Trường hợp của này ủy quyền có hai nội dung: thực hiện thủ tục ủy quyền rút sổ tiết kiệm tại ngân hàng, thủ tục lĩnh lương hưu tại nơi chi trả bảo hiểm xã hội. Vợ anh có thể để cả hai nội dung này vào chung trong hợp đồng ủy quyền do pháp luật không cấm, tuy nhiên điều này có được chấp thuận hay không sẽ phụ thuộc vào quy chế của các ngân hàng và nơi chi trả bảo hiểm xã hội.
Trên đây là tư vấn của luật Sao Việt, mọi thắc mắc và ý kiến đóng góp liên hệ với chúng tôi theo số hotline 19006243./