Tôi thấy có rất nhiều thanh niên đi xe máy tự ý lắp, sử dụng còi xe cấp cứu, khiến các phương tiện khác tưởng xe ưu tiên nên nhường đường rồi cố ý vượt lên trước. Xin hỏi với những trường hợp tự ý lắp còi xe ưu tiên cho xe máy cá nhân như trên pháp luật có chế tài xử lý thế nào?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
- Căn cứ pháp lý:
Luật giao thông đường bộ năm 2008
Nghị định 109/2009/NĐ-CP 01/12/2009
Nghị định 100/2019/NĐ –CP (sửa đổi năm 2021)
- Nội dung tư vấn:
Hiện nay, đối với việc lắp, sử dụng còi xe ưu tiên được quy định tại Điều 22 Luật giao thông đường bộ năm 2008 (LGTĐB 2008); Nghị định 109/2009/NĐ-CP. Theo đó chỉ những xe được quyền ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ mới được lắp, sử dụng còi xe ưu tiên, cụ thể gồm: xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; Đoàn xe tang.
Các xe được quyền ưu tiên kể trên (trừ đoàn xe tang) khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông” – Khoản 2 Điều 22 LGTĐB 2008.
=> Ngoài những loại xe ưu tiên được đề cập nêu trên thì các phương tiện khác không được quyền ưu tiên, không được sử dụng còi, cờ, tín hiệu ưu tiên khi tham gia giao thông. Việc tự ý lắp, sử dùng coi ưu tiên cho phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông được xác định là hành vi trái pháp luật, và được xác định là hành vi sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe.
Với hành vi tự ý lắp, sử dụng còi ưu tiên cho xe máy cá nhân sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Điểm i Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về việc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường;
b) Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính;
c) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h;
d) Điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông;
…g) Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên;
…
Đồng thời bị tịch thu còi ưu tiên đã lắp đặt trên xe theo Khoản 10 Điều này (sửa đổi, bổ sung bởi Điểm a Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), theo đó, ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm g khoản 2 Điều này bị tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt, sử dụng trái quy định;
Như vậy, trường hợp tự ý sử dụng còi ưu tiên cho xe máy cá nhân thì người điều khiển sẽ bị xử phạt tiền từ 300.000 đồng - 400.000 đồng; đồng thời bị tịch thu còi theo quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com