Khi được hưởng một phần di sản thừa kế, vì nhiều lý do mà không phải ai cũng muốn tiếp nhận tài sản này. Pháp luật dân sự hiện hành cho phép người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối này nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Khi đó, người thừa kế phải lập văn bản từ chối nhận di sản. Vậy, văn bản từ chối nhận di sản có cần thực hiện công chứng hoặc chứng thực hay không? Và sau khi từ chối, người thừa kế có thể thay đổi ý kiến để nhận lại phần tài sản của mình không? Bài viết dưới đây của Luật Sao Việt sẽ giúp bạn hiểu rõ về vấn đề này.

1. Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế có cần công chứng, chứng thực?

Căn cứ Điều 59 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản”. Bên cạnh đó, tại điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định việc chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBND cấp xã. Ngoài ra, theo điểm c Khoản 3 Điều 27 Luật đất đai năm 2024, văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự. Trong khi đó tại Bộ luật dân sự năm 2015, quy định liên quan đến việc từ chối nhận di sản thừa kế tại Điều 620 cũng chỉ quy định về việc từ chối nhận di sản thừa kế phải lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. 

Như vậy, căn cứ quy định pháp luật hiện hành có liên quan, thì không có quy định nào bắt buộc văn bản từ chối nhận di sản thừa kế phải thực hiện công chứng, chứng thực mà chỉ ghi nhận đây là quyền lựa chọn của người thừa kế. Theo đó, dù có công chứng, chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế hay không thì cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của văn bản này.

Tuy nhiên, dù không bắt buộc nhưng xét về mặt giá trị pháp lý, việc công chứng hoặc chứng thực vẫn là cách tốt nhất để đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản từ chối nhận di sản thừa kế (vốn là một giao dịch dân sự dưới hình thức hành vi pháp lý đơn phương - Điều 116 Bộ luật dân sự năm 2015), từ đó hạn tránh các tranh chấp về sau có thể xảy ra, hay hạn chế được những khó khăn cho chính những người thừa kế khác trong quá trình khai nhận di sản thừa kế, chia thừa kế sau này. Cụ thể, giao dịch dân sự được công chứng sẽ có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong giao dịch được công chứng sẽ không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu (khoản 3 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014). Còn khi giao dịch dân sự được chứng thực thì sẽ có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia giao dịch (khoản 4 Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP).

2. Trường hợp đã có văn bản từ chối nhận di sản thừa kế thì có thay đổi ý kiến được không?

Theo quy định tại Điều 620 của Bộ luật Dân sự năm 2015, khi người thừa kế muốn từ chối nhận di sản sẽ phải lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác và người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. Việc từ chối này phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản. Dựa trên quy định này, văn bản từ chối nhận di sản thừa kế sẽ chỉ có hiệu lực pháp lý khi đáp ứng những điều kiện này. Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về việc có cho phép người thừa kế được thay đổi quyết định sau khi đã có văn bản từ chối nhận di sản (đáp ứng các điều kiện luật định) hay không. 

Xét theo bản chất pháp lý của việc từ chối nhận di sản thừa kế là một giao dịch dân sự (cụ thể là hành vi pháp lý đơn phương), dựa theo các quy định gồm: Điều 116 Bộ luật dân sự năm 2015: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”; Khoản 4 Điều 3: "Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác" và Điều 51 Luật Công chứng năm 2014 quy định về việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch; Có thể thấy rằng, về nguyên tắc người có văn bản từ chối nhận di sản thừa kế có thể sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ giao dịch (có thể đã công chứng) khi “không xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” và thủ tục về sửa đổi giao dịch đã công chứng (nếu có). Do đó, theo quan điểm này, về cơ bản, văn bản từ chối nhận di sản thừa kế chỉ được quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ khi chưa thực hiện khai nhận, phân chia di sản thừa kế. Bởi trường hợp nếu di sản đã được phân chia sau khi có văn bản từ chối nhận di sản, thì việc thay đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản từ chối đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các đồng thừa kế khác.

Nếu bạn đọc còn bất kỳ những vướng mắc nào khác liên quan hoặc cần tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ pháp lý, hãy liên hệ với Luật sư và Chuyên viên pháp lý của chúng tôi để được gỡ vướng kịp thời.

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer