CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 79/2023/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2023 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022;
Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng, bao gồm: trình tự, thủ tục xác lập quyền đối với giống cây trồng; quyền đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Bằng bảo hộ và tác giả giống cây trồng; chuyển nhượng, chuyển giao quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ; đại diện quyền đối với giống cây trồng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài là công dân quốc gia thành viên Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (sau đây gọi là UPOV) hoặc nước có thỏa thuận quốc tế với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng; cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam; tổ chức nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân thường trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên lãnh thổ của quốc gia thành viên UPOV.
3. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến bảo hộ giống cây trồng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người đăng ký là tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại khoản 2 Điều 164 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi tại khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022.
2. Chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng là tổ chức, cá nhân được cấp Bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.
3. Tác giả giống cây trồng là tổ chức, cá nhân trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới; trường hợp có hai tổ chức, cá nhân trở lên cùng chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới thì các bên là đồng tác giả.
4. Phát hiện và phát triển giống cây trồng mới là hoạt động chọn lọc tìm ra biến dị tự nhiên có sẵn trong quần thể một giống cây trồng hoặc tìm ra nguồn gen mới có sẵn trong tự nhiên, nhân và đánh giá biến dị tự nhiên đó.
5. Khảo nghiệm kỹ thuật (sau đây gọi là Khảo nghiệm DUS) là khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng.
6. Tài liệu khảo nghiệm DUS gồm: Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), Tài liệu hướng dẫn về khảo nghiệm DUS do UPOV hoặc nước thành viên UPOV hoặc các nước hợp tác với Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng công bố hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Điều 4. Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính trong Nghị định này
1. Nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Thời gian trả lời tính đầy đủ của thành phần hồ sơ:
a) Trường hợp nộp trực tiếp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay tính đầy đủ của thành phần hồ sơ cho tổ chức, cá nhân;
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính: Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân;
c) Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử: Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo cho tổ chức, cá nhân.
3. Hồ sơ nộp qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
4. Cách thức trả kết quả: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử.
Điều 5. Danh mục giống cây trồng
Danh mục giống cây trồng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 160 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 gồm giống cây trồng có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; giống cây trồng được công nhận lưu hành, công nhận lưu hành đặc cách, tự công bố lưu hành, công nhận chính thức; Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và danh mục giống cây trồng ở các quốc gia khác.
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÁC LẬP QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
Điều 6. Đăng ký bảo hộ giống cây trồng
1. Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng gồm các tài liệu:
a) Tờ khai đăng ký bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này. Từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc dấu giáp lai;
b) Tờ khai kỹ thuật
Trường hợp giống đăng ký thuộc loài cây trồng đã có Tài liệu khảo nghiệm DUS: Sử dụng Mẫu tờ khai kỹ thuật trong Tài liệu khảo nghiệm DUS đó;
Trường hợp giống đăng ký thuộc loài cây trồng chưa có Tài liệu khảo nghiệm DUS hoặc Tài liệu khảo nghiệm DUS chưa có thông tin về tờ khai kỹ thuật: Sử dụng tờ khai kỹ thuật theo quy định tại Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực văn bản ủy quyền đối với trường hợp nộp Đơn đăng ký thông qua Tổ chức dịch vụ đại diện quyền; nội dung của văn bản ủy quyền gồm: bên ủy quyền, bên được ủy quyền, phạm vi được ủy quyền, thời hạn ủy quyền;
d) Ảnh chụp thể hiện 03 tính trạng đặc trưng của giống đăng ký: Tối thiểu 03 ảnh màu, kích cỡ tối thiểu 9 cm x 15 cm;
đ) Bản sao có chứng thực Tài liệu chứng minh quyền đăng ký trường hợp người đăng ký được chuyển giao quyền đăng ký hoặc được thừa kế, kế thừa (Hợp đồng chuyển giao quyền đăng ký, văn bản thừa kế, kế thừa hoặc văn bản tương đương khác), Tài liệu chứng minh quốc tịch hoặc có thường trú hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh tại một nước thành viên UPOV;
e) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên nếu Đơn đăng ký có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo quy định tại khoản 1 Điều 167 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 gồm: bản sao các tài liệu về Đơn đăng ký đầu tiên được cơ quan bảo hộ giống cây trồng tại quốc gia nộp đơn đầu tiên xác nhận, mẫu hoặc bằng chứng xác nhận giống cây trồng ở hai đơn là một, bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền ưu tiên (nếu có). Các tài liệu chứng minh quyền ưu tiên này được cung cấp trong vòng 90 ngày kể từ ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ.
2. Thẩm định hình thức là kiểm tra tính hợp lệ của Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng. Đơn đăng ký không hợp lệ về hình thức khi:
a) Thông tin trong các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này bị thiếu hoặc chưa phù hợp theo quy định tại các Điều 159, 163 và 164 Luật Sở hữu trí tuệ, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 65, 66 và 82 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022;
b) Tài liệu quy định tại các điểm c, đ và e khoản 1 Điều này không được dịch sang tiếng Việt khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu;
c) Tài liệu trong Đơn đăng ký bị tẩy xóa, rách nát hoặc mờ không đọc được;
d) Thiếu bản sao hợp lệ các tài liệu có liên quan;
đ) Đơn đăng ký do người không có quyền nộp đơn nộp; trường hợp quyền đăng ký thuộc nhiều tổ chức, cá nhân nhưng không có sự đồng ý của tất cả các tổ chức, cá nhân đó.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hình thức Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng.
a) Trường hợp Đơn đăng ký hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông báo chấp nhận đơn theo quy định tại Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định này, trả kết quả cho người đăng ký, đăng tải thông báo trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong vòng 90 ngày kể từ ngày ban hành Thông báo.
b) Trường hợp Đơn đăng ký chưa hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo và nêu rõ lý do cho người đăng ký hoàn thiện. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hoàn thiện Đơn, người đăng ký phải khắc phục các thiếu sót và nộp về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và ban hành Thông báo chấp nhận đơn theo điểm a khoản 2 Điều này hoặc từ chối chấp nhận đơn và nêu rõ lý do.
c) Trường hợp Đơn đăng ký không hợp lệ hoặc người đăng ký không khắc phục các thiếu sót trong thời hạn yêu cầu được xác định là không có nhu cầu tiếp tục nộp Đơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông báo từ chối chấp nhận Đơn và nêu rõ lý do.
4. Trường hợp tài liệu quy định tại điểm c, đ và e khoản 1 Điều này phải được dịch ra tiếng Việt theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì bản dịch được chứng thực hoặc có xác nhận của tổ chức dịch vụ đại diện quyền đại diện cho người đăng ký đối với giống cây trồng.
Điều 7. Sửa đổi, bổ sung Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng
1. Trước khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo từ chối cấp Bằng hoặc quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, tổ chức, cá nhân được sửa đổi, bổ sung Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng trong các trường hợp sau:
a) Lỗi chính tả về tên, địa chỉ của người đăng ký, tổ chức dịch vụ đại diện quyền, tác giả giống cây trồng hoặc lỗi chính tả về tên giống cây trồng;
b) Thay đổi tên, địa chỉ của người đăng ký, tổ chức dịch vụ đại diện quyền, tác giả giống cây trồng trên cơ sở các giấy tờ pháp lý hợp lệ;
c) Thay đổi tên giống cây trồng theo đề nghị của người đăng ký.
2. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai yêu cầu sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển giao quyền đăng ký trường hợp thay đổi người đăng ký do chuyển giao quyền đăng ký; hoặc tài liệu chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ người đăng ký, tổ chức dịch vụ đại diện quyền, tác giả giống cây trồng;
c) Bản sao có chứng thực Tài liệu chứng minh việc thừa kế, kế thừa có xác nhận của người đăng ký, Tài liệu chứng minh quyền nhân thân giữa người đăng ký và người nhận thừa kế; Giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người đăng ký (nếu có) trường hợp thay đổi người đăng ký do thừa kế, kế thừa.
3. Trình tự thực hiện
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông báo chấp nhận sửa đổi, bổ sung đơn theo quy định tại Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định này, trả kết quả cho người đăng ký và đăng tải thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho người đăng ký và nêu rõ lý do.
Điều 8. Khảo nghiệm DUS
1. Sau khi Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được chấp nhận hợp lệ, Khảo nghiệm DUS phải được tiến hành theo Tài liệu khảo nghiệm DUS. Trường hợp giống đăng ký thuộc loài cây trồng chưa có Tài liệu khảo nghiệm DUS, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo chấp nhận đơn hợp lệ được ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xây dựng Tài liệu hướng dẫn khảo nghiệm DUS trong thời hạn 06 tháng theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Hình thức khảo nghiệm DUS
a) Khảo nghiệm DUS được thực hiện tại tổ chức khảo nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận theo quy định tại Điều 21 Luật Trồng trọt đối với giống cây trồng nông nghiệp hoặc cơ sở khảo nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 27/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp đối với giống cây lâm nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng).
b) Khảo nghiệm DUS do người đăng ký tự thực hiện.
c) Sử dụng kết quả khảo nghiệm DUS trên cơ sở thỏa thuận quốc tế về trao đổi kết quả khảo nghiệm DUS với quốc gia thành viên UPOV hoặc quốc gia có hợp tác với Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng.
3. Khảo nghiệm DUS theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này
Người đăng ký gửi mẫu giống đến tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng để tiến hành khảo nghiệm DUS trong thời hạn 30 ngày trước thời vụ gieo trồng đầu tiên kể từ ngày ban hành Thông báo chấp nhận Đơn.
Trường hợp không đồng ý với kết quả khảo nghiệm DUS, người đăng ký có quyền yêu cầu tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng đã thực hiện khảo nghiệm DUS trước đó hoặc tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng khác thực hiện khảo nghiệm lại. Yêu cầu khảo nghiệm lại phải được làm bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do và chứng cứ chứng minh cần phải khảo nghiệm lại đồng thời thông báo tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm DUS phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có hoặc hợp đồng thuê địa điểm và diện tích đất phù hợp để bố trí thí nghiệm khảo nghiệm DUS đối với giống đăng ký;
b) Có hoặc hợp đồng thuê trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc phân tích, đánh giá các chỉ tiêu theo yêu cầu khảo nghiệm đối với loài cây trồng khảo nghiệm;
c) Có hoặc hợp đồng thuê phòng thử nghiệm đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và được công nhận hoặc được chỉ định đối với trường hợp khảo nghiệm có bao gồm các chỉ tiêu phân tích;
d) Có hoặc hợp đồng thuê giống đối chứng phù hợp với giống đăng ký khảo nghiệm;
đ) Có hợp đồng lao động với ít nhất 01 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học trở lên một trong các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học hoặc các ngành tương tự và có giấy chứng nhận tập huấn về khảo nghiệm DUS do cơ quan quản lý nhà nước về bảo hộ giống cây trồng cấp.
5. Đối với khảo nghiệm DUS do người đăng ký tự thực hiện, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Tài liệu hướng dẫn khảo nghiệm DUS, tổ chức, cá nhân gửi văn bản kế hoạch khảo nghiệm DUS về các nội dung dự kiến: giống đối chứng, địa điểm và thời gian thực hiện khảo nghiệm. Sau khi gửi văn bản kế hoạch khảo nghiệm DUS, tổ chức, cá nhân được tự thực hiện khảo nghiệm DUS.
Điều 9. Kiểm tra điều kiện và việc thực hiện khảo nghiệm DUS do người đăng ký tự thực hiện
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập đoàn kiểm tra gồm công chức được giao nhiệm vụ về bảo hộ giống cây trồng; chuyên gia về khảo nghiệm DUS hoặc chuyên gia về loài cây trồng trong Đơn đăng ký bảo hộ.
2. Nội dung kiểm tra: Điều kiện thực hiện khảo nghiệm; việc thực hiện khảo nghiệm; đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống khảo nghiệm theo Tài liệu khảo nghiệm DUS đối với loài cây trồng đăng ký của tổ chức, cá nhân đăng ký.
3. Thời điểm kiểm tra: Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra ít nhất 01 lần và không quá 03 lần trong quá trình tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm.
4. Biên bản kiểm tra được lập theo quy định tại Mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị định này và lưu trong hồ sơ đăng ký bảo hộ giống cây trồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ biên bản kiểm tra trong quá trình thẩm định nội dung đối với Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng để thẩm định báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS.
Điều 10. Nộp mẫu giống, quản lý và sử dụng mẫu giống đăng ký bảo hộ
1. Đối với giống cây trồng được khảo nghiệm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định này, người đăng ký nộp mẫu giống phục vụ khảo nghiệm DUS và mẫu lưu cho tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng tối thiểu 30 ngày trước thời vụ gieo trồng đầu tiên kể từ ngày ban hành Thông báo chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng đó.
2. Đối với giống cây trồng nhân giống vô tính, giống cây trồng được thực hiện khảo nghiệm theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định này, người đăng ký tự lưu mẫu giống.
3. Khối lượng (hoặc số lượng) và chất lượng mẫu giống gửi khảo nghiệm và lưu mẫu theo quy định tại Tài liệu khảo nghiệm DUS đối với loài cây trồng đó.
4. Người đăng ký hoặc chủ sở hữu giống cây trồng có trách nhiệm nộp mẫu giống được bảo hộ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu trong thời gian hưởng quyền tạm thời hoặc Bằng bảo hộ giống cây trồng còn hiệu lực. Mẫu giống phải đảm bảo chất lượng theo quy định tại khoản 3 Điều này, đúng với mẫu giống tại thời điểm nộp đơn đăng ký và mức độ biểu hiện của các tính trạng phù hợp với bản mô tả giống tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ trường hợp giống cây trồng đã được cấp Bằng bảo hộ.
5. Người đăng ký hoặc chủ sở hữu giống cây trồng có trách nhiệm lưu giữ mẫu giống trong thời hạn từ khi giống được hưởng quyền tạm thời đến khi chấm dứt hiệu lực của Bằng bảo hộ.
6. Việc sử dụng mẫu giống lưu phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đăng ký hoặc chủ sở hữu giống cây trồng trừ trường hợp để thực hiện: Khảo nghiệm DUS, kiểm nghiệm, hậu kiểm nhằm xác định tính đúng giống hoặc giải quyết tranh chấp, kiến nghị, khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo.
Điều 11. Cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng
1. Trường hợp giống đăng ký bảo hộ được thực hiện khảo nghiệm DUS theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định này, tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm nộp bản chính Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS theo quy định tại Mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị định này đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc khảo nghiệm DUS.
Trường hợp sử dụng kết quả khảo nghiệm DUS theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận báo cáo khảo nghiệm DUS trực tiếp từ cơ quan bảo hộ giống cây trồng của quốc gia thành viên UPOV hoặc quốc gia hợp tác với Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng.
Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS để cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được sử dụng trong việc cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng nếu tính khác biệt của giống đăng ký so với giống cây trồng được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ được đảm bảo.
2. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm định nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 178 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
a) Trường hợp giống đăng ký đảm bảo tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định, đồng thời Đơn đăng ký bảo hộ đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 176 và điểm a khoản 1 Điều 178 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 09, Mẫu số 10 ban hành kèm theo Nghị định này; trả kết quả cho người đăng ký; công bố trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định.
b) Trường hợp giống đăng ký không đảm bảo tính khác biệt hoặc tính đồng nhất hoặc tính ổn định hoặc đơn đăng ký không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 176 và điểm a khoản 1 Điều 178 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản về dự định từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng cho người đăng ký và nêu rõ lý do, ấn định thời hạn 30 ngày để người đăng ký khắc phục thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối.
Qua thời hạn trên mà người đăng ký không có ý kiến phản đối dự định từ chối một cách xác đáng hoặc không khắc phục được các thiếu sót, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng. Trường hợp người đăng ký khắc phục được các thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối một cách xác đáng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Bằng bảo hộ giống cây trồng chỉ được cấp 01 bản.
Điều 12. Sửa đổi, cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng
1. Chủ sở hữu Bằng bảo hộ có yêu cầu sửa đổi, cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai yêu cầu sửa đổi, cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 11 ban hành kèm theo Nghị định này.
b) Bản sao có chứng thực Tài liệu pháp lý chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc sai sót liên quan đến tên, địa chỉ của chủ sở hữu Bằng bảo hộ.
c) Bản chính Bằng bảo hộ giống cây trồng (trừ trường hợp Bằng bị mất).
2. Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.
a) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định sửa đổi, cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng, cấp lại Bằng cho người đăng ký, đăng tải trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định. Bằng bảo hộ giống cây trồng sửa đổi, cấp lại phải được giữ nguyên số Bằng và ghi rõ nội dung “cấp lại” tại góc trái phía dưới của Bằng bảo hộ.
b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho chủ sở hữu Bằng bảo hộ và nêu rõ lý do.
Điều 13. Đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng
1. Đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng khi có căn cứ giống cây trồng được bảo hộ không còn đáp ứng tính đồng nhất hoặc tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng.
b) Trường hợp tổ chức, cá nhân có đề nghị đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định điểm a khoản 1 Điều 170 Luật Sở hữu trí tuệ, hồ sơ được nộp đến đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:
Đơn yêu cầu đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 12 ban hành kèm theo Nghị định này;
Chứng cứ chứng minh giống cây trồng được bảo hộ không còn đáp ứng tính đồng nhất hoặc tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm định, thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng đồng thời tổ chức khảo nghiệm đánh giá lại tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng trên.
Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được kết quả đánh giá lại tính đồng nhất, tính ổn định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm định. Trường hợp ý kiến phản đối của người thứ ba đủ căn cứ pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng. Trường hợp ý kiến phản đối của người thứ ba chưa đủ căn cứ pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
c) Trường hợp đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo điểm c, điểm d khoản 1 Điều 170 Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản yêu cầu chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng thay đổi tên giống cây trồng hoặc cung cấp tài liệu, vật liệu nhân giống cần thiết để duy trì và lưu giữ giống cây trồng theo quy định mà chủ sở hữu Bằng bảo hộ không thực hiện theo yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.
d) Quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng được đăng tải trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định.
2. Phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng
a) Chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng được khắc phục lý do bị đình chỉ theo quy định tại khoản 5 Điều 170 Luật Sở hữu trí tuệ.
b) Chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:
Đơn đề nghị phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 13 ban hành kèm theo Nghị định này;
Chứng cứ chứng minh đã khắc phục lý do bị đình chỉ.
c) Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng, trả kết quả cho chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng và nêu rõ lý do.
3. Hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng khi có căn cứ về một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 171 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022.
b) Tổ chức, cá nhân có ý kiến phản đối về một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 171 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:
Đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 14 ban hành kèm theo Nghị định này;
Chứng cứ chứng minh lý do yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm định, thông báo cho chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng.
Trường hợp lý do yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ là Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng do người không có quyền đăng ký thực hiện việc đăng ký hoặc giống cây trồng được bảo hộ không đáp ứng các điều kiện về tính mới tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, nếu ý kiến phản đối của người thứ ba đủ căn cứ pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng. Nếu ý kiến phản đối của người thứ ba chưa đủ căn cứ pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp lý do yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng là giống cây trồng được bảo hộ không đáp ứng các điều kiện về tính khác biệt tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc giống cây trồng không đáp ứng các điều kiện về tính đồng nhất hoặc tính ổn định khi Bằng bảo hộ giống cây trồng được cấp dựa trên kết quả khảo nghiệm kỹ thuật do người đăng ký tự thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khảo nghiệm đánh giá lại tính khác biệt hoặc tính đồng nhất hoặc tính ổn định của giống cây trồng trên.
Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được kết quả khảo nghiệm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm định. Trường hợp ý kiến phản đối của người thứ ba đủ căn cứ pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng. Trường hợp ý kiến phản đối của người thứ ba chưa đủ căn cứ pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
c) Quyết định hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng được đăng tải trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định.
Điều 14. Sổ đăng ký quốc gia
1. Giống cây trồng được bảo hộ được ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm lập và lưu giữ Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ.
Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ ghi nhận và lưu giữ thông tin về Bằng bảo hộ giống cây trồng và những thay đổi trong thời hạn hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.
Điều 15. Giống cây trồng có nguồn gốc chủ yếu từ giống cây trồng được bảo hộ
Các phương pháp tác động vào giống cây trồng được bảo hộ (giống ban đầu) để tạo ra giống cây trồng mới có những tính trạng khác biệt với giống cây trồng ban đầu (được gọi là giống cây trồng có nguồn gốc chủ yếu từ giống cây trồng được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 187 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009) bao gồm: Chuyển gen, chỉnh sửa gen, lai trở lại, chọn lọc biến dị tự nhiên hay nhân tạo hoặc biến dị soma, gây đột biến nhân tạo bằng phương pháp bất kỳ.
Chương III
QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG LÀ KẾT QUẢ CỦA NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Điều 16. Giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
1. Kết thúc thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nghiệm thu mà tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ không nộp đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng hoặc có văn bản báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước về việc không có nhu cầu thực hiện quyền đăng ký, đại diện chủ sở hữu nhà nước giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng nêu trên cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. Trình tự, hồ sơ giao quyền như sau:
a) Đại diện chủ sở hữu nhà nước thông báo trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong thời hạn 90 ngày về việc nộp hồ sơ đề nghị giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng. Nội dung thông báo gồm: Tên nhiệm vụ khoa học và công nghệ; thông tin tóm tắt về giống cây trồng như tên giống, tên loài cây trồng, một số đặc điểm nông sinh học chính; yêu cầu, điều kiện đối với tổ chức, cá nhân được giao quyền đăng ký; tên đơn vị, hình thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký giao quyền đối với giống cây trồng.
b) Trong thời hạn quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân nộp Đơn đề nghị giao quyền đăng ký theo quy định tại Mẫu số 15 ban hành kèm theo Nghị định này đến đơn vị tiếp nhận đăng ký giao quyền.
Trong thời hạn 12 ngày, kể từ ngày kết thúc nhận hồ sơ, đại diện chủ sở hữu nhà nước đăng tải trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ danh sách tổ chức, cá nhân nộp đơn hợp lệ và dự định giao cho các tổ chức, cá nhân đó cùng thực hiện quyền đăng ký, cùng đứng tên là người đăng ký đối với Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được giao quyền, ấn định thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày đăng tải để các tổ chức, cá nhân có ý kiến về nội dung trên. Nếu kết thúc thời hạn nêu trên mà tổ chức, cá nhân nộp đơn đề nghị giao quyền có văn bản phản hồi đồng ý cùng đứng tên người đăng ký hoặc không có văn bản phản hồi thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên, đại diện chủ sở hữu nhà nước ban hành quyết định giao quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng cho tổ chức, cá nhân này.
2. Trường hợp không giao được quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 191b Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 hoặc Đơn đăng ký giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước bị từ chối chấp nhận đơn hoặc từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc đã rút trước khi được công bố, đại diện chủ sở hữu nhà nước công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông tin tóm tắt về giống cây trồng: tên giống, tên loài cây trồng, một số đặc điểm nông sinh học chính để tổ chức, cá nhân khác được phép khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về sản xuất, thương mại giống cây trồng.
Điều 17. Trách nhiệm của tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tổ chức, cá nhân được giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng
1. Trách nhiệm của tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ
a) Đảm bảo tính mới đối với giống cây trồng tính đến thời điểm giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác nếu giống cây trồng chưa được đăng ký bảo hộ, trừ trường hợp không giao được quyền đăng ký.
b) Lưu giữ, duy trì giống cây trồng đảm bảo tính ổn định theo bản mô tả tại thời điểm nghiệm thu đề tài trong suốt quá trình giống cây trồng được sử dụng đến khi bàn giao đúng giống cây trồng cho tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp chuyển giao quyền đăng ký hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao quyền đăng ký
a) Đăng ký bảo hộ giống cây trồng hoặc tiếp tục thực hiện các thủ tục cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.
b) Lưu giữ giống cây trồng, cung cấp thông tin, vật liệu và vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, duy trì tính ổn định của giống cây trồng được bảo hộ theo tính trạng mô tả tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.
3. Định kỳ hằng năm, chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng có nghĩa vụ nộp báo cáo cho cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ các nội dung sau:
a) Tình hình khai thác, thương mại giống cây trồng, đánh giá hiệu quả của việc khai thác giống cây trồng;
b) Tổng số tiền, lợi nhuận mà chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng đã nhận được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền sở hữu và việc trả thù lao cho tác giả, phân chia lợi nhuận, kèm theo báo cáo tài chính;
c) Các biện pháp bảo vệ quyền đang thực hiện liên quan đến giống cây trồng.
Điều 18. Thủ tục cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng giống cây trồng được bảo hộ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
1. Thời gian hợp lý theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 191b của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 được xác định là kết thúc 03 năm đối với cây hàng năm, cây ngắn ngày, cây dược liệu, cây thủy sinh, giống nấm hoặc 05 năm đối với cây lâu năm, cây lâm nghiệp, cây dài ngày kể từ ngày cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng mà chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng không thực hiện công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành hoặc công nhận giống theo quy định.
2. Trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 191b Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, tổ chức, cá nhân khác được phép đề nghị khai thác, sử dụng giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, nộp hồ sơ đề nghị cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị sử dụng giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 16 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Tài liệu chứng minh đề nghị khai thác, sử dụng giống cây trồng là có căn cứ xác đáng.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ thẩm định hồ sơ.
a) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ ban hành Quyết định cho phép khai thác, sử dụng giống cây trồng đồng thời thông báo cho chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng và tổ chức, cá nhân đề nghị được khai thác, sử dụng giống cây trồng để thực hiện.
b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Quyết định cho phép tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng được phép khai thác, sử dụng giống cây trồng tại khoản 3 Điều này phải nêu rõ phạm vi và điều kiện tổ chức, cá nhân khác được khai thác, sử dụng gồm:
a) Quyền khai thác, sử dụng giống cây trồng không được độc quyền;
b) Quyền khai thác, sử dụng chỉ được thực hiện giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục tiêu của việc cho phép sử dụng;
c) Tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác, sử dụng giống cây trồng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác.
5. Chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng có quyền yêu cầu chấm dứt việc cho phép tổ chức, cá nhân khác khai thác, sử dụng khi căn cứ cho phép khai thác, sử dụng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 191b Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 không còn tồn tại. Cụ thể như sau:
a) Chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng nộp Hồ sơ yêu cầu chấm dứt việc khai thác, sử dụng giống cây trồng đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:
Đơn yêu cầu chấm dứt sử dụng giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 17 ban hành kèm theo Nghị định này;
Tài liệu chứng minh căn cứ cho phép khai thác, sử dụng không còn tồn tại.
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ:
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định chấm dứt khai thác, sử dụng giống cây trồng.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Chương IV
CHUYỂN NHƯỢNG, CHUYỂN GIAO QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG ĐƯỢC BẢO HỘ
Điều 19. Đăng ký chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ
1. Sau khi giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng theo quy định của pháp luật, hồ sơ đề nghị đăng ký chuyển nhượng được nộp tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai đăng ký chuyển nhượng theo quy định tại Mẫu số 18 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu giống cây trồng. Nội dung hợp đồng phải bằng tiếng Việt hoặc phải được dịch ra tiếng Việt, từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc dấu giáp lai;
c) Bản chính Bằng bảo hộ giống cây trồng được chuyển nhượng;
d) Bản chính văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu giống cây trồng trường hợp giống cây trồng thuộc sở hữu chung.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.
a) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản việc chuyển nhượng quyền chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng, ghi nhận bên nhận chuyển nhượng là chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng, cập nhật vào Sổ đăng ký quốc gia, cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng theo thông tin ghi nhận việc chuyển nhượng và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do.
Điều 20. Thẩm quyền quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với giống cây trồng được bảo hộ thuộc các loài cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sinh.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế ban hành quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với những giống cây trồng được bảo hộ sử dụng với mục đích làm thuốc.
Điều 21. Các trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ
1. Các trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ gồm:
a) Việc sử dụng giống cây trồng nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực và dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, ô nhiễm môi trường trên diện rộng;
b) Người có nhu cầu và năng lực sử dụng giống cây trồng không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng về việc ký kết hợp đồng sử dụng giống cây trồng mặc dù trong 12 tháng (trừ trường hợp bất khả kháng) đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng;
c) Người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
2. Trường hợp sử dụng giống cây trồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo công khai nhu cầu về giống gồm: tên giống cây trồng, mục đích, lượng giống cần sử dụng, phạm vi, thời gian đáp ứng mục đích chuyển giao và thời hạn nộp hồ sơ đăng ký để tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng giống cây trồng đăng ký.
Điều 22. Khung giá đền bù đối với việc bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thuê doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện thẩm định giá đối với giống cây trồng bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng theo pháp luật hiện hành. Kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong những căn cứ để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định khung giá đền bù đối với giống cây trồng bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng.
Trong trường hợp không thuê được doanh nghiệp thẩm định giá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định giá để xác định khung giá đền bù đối với giống cây trồng bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng.
Điều 23. Thủ tục chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ theo quyết định bắt buộc
1. Đối tượng được chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ theo quyết định bắt buộc:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng giống cây trồng theo trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định này;
b) Tổ chức, cá nhân không đạt được thỏa thuận sử dụng giống cây trồng hoặc bị cản trở cạnh tranh trong trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 21 Nghị định này.
2. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:
a) Đơn yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 19 ban hành kèm theo Nghị định này, trong đó phải nêu rõ phạm vi và thời hạn nhận chuyển giao bắt buộc;
b) Bản chính Báo cáo năng lực tài chính quy định tại Mẫu số 20 ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Bản sao có chứng thực Tài liệu chứng minh yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng là có căn cứ xác đáng theo quy định của pháp luật trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 21 Nghị định này;
d) Văn bản ủy quyền trường hợp nộp hồ sơ thông qua tổ chức dịch vụ đại diện quyền. Nội dung của văn bản ủy quyền gồm: bên ủy quyền, bên được ủy quyền, phạm vi và khối lượng công việc được ủy quyền, thời hạn ủy quyền.
3. Trình tự, thủ tục chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định này:
a) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.
b) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng đồng thời thông báo cho bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao để thực hiện.
c) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời tổ chức, cá nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Trình tự, thủ tục chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 21 Nghị định này:
a) Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ, thông báo cho người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng về yêu cầu chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng.
b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Thông báo, người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng phải trả lời bằng văn bản.
c) Trường hợp người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng không trả lời hoặc có văn bản đồng ý với yêu cầu chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng.
d) Trường hợp người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng có ý kiến phản đối với yêu cầu chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét ý kiến phản đối trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến phản đối của tổ chức, cá nhân:
Trường hợp yêu cầu chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng phù hợp với quy định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng và thông báo cho bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao để thực hiện.
Trường hợp yêu cầu chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng không có đủ căn cứ theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 21 Nghị định này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thông báo từ chối và nêu rõ lý do.
Điều 24. Sửa đổi, đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực của quyết định chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ
1. Quyết định chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng:
a) Được sửa đổi khi điều kiện ban hành quyết định chuyển giao bắt buộc đã thay đổi;
b) Bị đình chỉ khi điều kiện ban hành quyết định chuyển giao bắt buộc không còn tồn tại;
c) Bị hủy bỏ khi có căn cứ chứng minh quyết định chuyển giao bắt buộc là trái quy định pháp luật.
2. Chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng có yêu cầu sửa đổi, đình chỉ hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực của quyết định chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị sửa đổi, đình chỉ hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực của quyết định chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 21 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao có chứng thực Tài liệu chứng minh việc sửa đổi, hủy bỏ hiệu lực, đình chỉ hiệu lực quyết định chuyển giao bắt buộc là có căn cứ và không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng bắt buộc;
c) Văn bản ủy quyền trường hợp nộp yêu cầu thông qua Tổ chức dịch vụ đại diện quyền. Nội dung của văn bản ủy quyền gồm: bên ủy quyền, bên được ủy quyền, phạm vi và khối lượng công việc được ủy quyền, thời hạn ủy quyền.
3. Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.
a) Trường hợp yêu cầu sửa đổi, đình chỉ hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực của quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng có căn cứ xác đáng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định sửa đổi, đình chỉ hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực của quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng và thông báo cho bên chuyển giao bắt buộc và bên nhận chuyển giao để thực hiện.
b) Trường hợp yêu cầu sửa đổi, đình chỉ hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực của quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng không có căn cứ xác đáng theo quy định tại Điều 195 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thông báo từ chối và nêu rõ lý do.
Chương V
ĐẠI DIỆN QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
Điều 25. Phạm vi quyền của đại diện quyền đối với giống cây trồng
1. Tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng chỉ được thực hiện các dịch vụ trong phạm vi được ủy quyền và được phép ủy quyền lại cho tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng khác, nếu được sự đồng ý bằng văn bản của người ủy quyền.
2. Nghĩa vụ của tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng:
a) Không đồng thời đại diện cho các bên tranh chấp với nhau về quyền đối với giống cây trồng;
b) Không rút đơn yêu cầu cấp Bằng bảo hộ, tuyên bố từ bỏ sự bảo hộ, rút đơn khiếu nại về việc xác lập quyền đối với giống cây trồng nếu không được bên ủy quyền đại diện cho phép;
c) Không lừa dối hoặc ép buộc khách hàng trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng;
d) Không sử dụng hoặc tiết lộ các thông tin liên quan đến đơn đăng ký bảo hộ chưa được công bố bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 26. Đào tạo pháp luật về quyền đối với giống cây trồng
1. Nội dung đào tạo pháp luật về quyền đối với giống cây trồng gồm:
a) Pháp luật về quyền đối với giống cây trồng, gồm quy định pháp luật của Việt Nam và quy định của Điều ước quốc tế và các văn bản hướng dẫn, thoả thuận hợp tác mà Việt Nam tham gia là thành viên;
b) Các văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước về giống cây trồng;
c) Thủ tục xác lập quyền đối với giống cây trồng, tra cứu, khai thác thông tin bảo hộ giống cây trồng;
d) Các quy định về khảo nghiệm DUS: Tài liệu khảo nghiệm DUS, thực hiện khảo nghiệm DUS.
2. Cơ sở đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo pháp luật về quyền đối với giống cây trồng:
a) Xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở khung chương trình đào tạo theo quy định tại Mẫu số 22 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Tổ chức biên soạn và duyệt giáo trình hoặc lựa chọn giáo trình phù hợp làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức; in phôi và cấp chứng chỉ đào tạo pháp luật về quyền đối với giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 23 ban hành kèm theo Nghị định này đối với cá nhân tham dự đầy đủ nội dung đào tạo về đại diện quyền đối với giống cây trồng;
c) Gửi danh sách cá nhân được cấp chứng chỉ đào tạo pháp luật về quyền đối với giống cây trồng về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp chứng chỉ.
Điều 27. Kiểm tra nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng
1. Nội dung kiểm tra nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng:
a) Pháp luật về quyền đối với giống cây trồng, gồm quy định pháp luật của Việt Nam và quy định của Điều ước quốc tế và các văn bản hướng dẫn, thoả thuận hợp tác mà Việt Nam tham gia là thành viên;
b) Kỹ năng áp dụng pháp luật trong việc thực hiện thủ tục xác lập quyền đối với giống cây trồng; tra cứu, khai thác thông tin bảo hộ giống cây trồng; việc thực hiện khảo nghiệm DUS.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức kiểm tra nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng, trong đó nêu rõ điều kiện tham dự kiểm tra, thủ tục nộp hồ sơ, nội dung kiểm tra, thời gian, địa điểm kiểm tra.
3. Cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện sau được đăng ký dự kiểm tra theo quy định tại Điều này, cụ thể như sau:
a) Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Thường trú tại Việt Nam;
c) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành: trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học, lâm sinh, luật;
d) Đã trực tiếp làm công tác pháp luật về quyền đối với giống cây trồng từ 05 năm trở lên hoặc đã trực tiếp làm công tác thẩm định các loại đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về quyền đối với giống cây trồng từ 05 năm trở lên hoặc đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về quyền đối với giống cây trồng được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
4. Cá nhân đăng ký tham dự kiểm tra để được cấp Giấy chứng nhận kiểm tra nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng nộp hồ sơ tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai đăng ký kiểm tra theo quy định tại Mẫu số 24 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao Bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);
c) Bản sao Chứng chỉ đào tạo pháp luật về quyền đối với giống cây trồng (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực) hoặc bản sao Quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động và tài liệu khác chứng minh thực tế hoạt động chuyên môn (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);
d) 02 ảnh 3 cm x 4 cm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ đăng ký kiểm tra và thông báo bằng văn bản cho cá nhân có hồ sơ hợp lệ trước thời điểm kiểm tra 15 ngày, trong đó nêu rõ kế hoạch kiểm tra.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng (sau đây gọi là Hội đồng kiểm tra).
a) Hội đồng kiểm tra có 05 người, trong đó Chủ tịch Hội đồng kiểm tra là lãnh đạo đơn vị được giao quản lý nhà nước về bảo hộ giống cây trồng; thành viên Hội đồng kiểm tra là những chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín về chuyên môn trong lĩnh vực bảo hộ giống cây trồng; công chức được giao nhiệm vụ về bảo hộ giống cây trồng là thư ký hành chính.
b) Hội đồng kiểm tra có trách nhiệm xây dựng ngân hàng đề kiểm tra (gồm cả đáp án và thang điểm).
6. Tổ chức thực hiện việc kiểm tra
a) Đề kiểm tra do Chủ tịch Hội đồng kiểm tra chọn ngẫu nhiên từ ngân hàng đề bài kiểm tra.
b) Hội đồng kiểm tra chấm bài kiểm tra theo đáp án và thang điểm của đề kiểm tra.
c) Người đạt điểm kiểm tra từ 5,0 điểm trở lên theo thang điểm 10 đối với bài kiểm tra được coi là đạt yêu cầu.
7. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm tra, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra thông báo kết quả kiểm tra trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Mẫu số 25 ban hành kèm theo Nghị định này cho những người đạt yêu cầu.
Điều 28. Cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng
1. Cá nhân đáp ứng các điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền quy định tại khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:
a) Đơn yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 26 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao giấy chứng nhận đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng;
c) 02 ảnh 3 cm x 4 cm.
2. Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.
a) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định và cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 27 ban hành kèm theo Nghị định này, trả kết quả và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho người nộp hồ sơ và nêu rõ lý do.
Điều 29. Cấp lại Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng
1. Cá nhân có Chứng chỉ hành nghề bị mất, rách, bẩn, phai mờ đến mức không thể sử dụng được có yêu cầu cấp lại Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:
a) Đơn yêu cầu cấp lại Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 28 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền trường hợp Chứng chỉ bị rách, bẩn, phai mờ đến mức không sử dụng được;
c) 01 ảnh 3 cm x 4 cm.
2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.
a) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định và cấp lại Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng, trả kết quả và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho người nộp hồ sơ và nêu rõ lý do.
Điều 30. Thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng
1. Người được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng bị thu hồi Chứng chỉ trong các trường hợp sau đây:
a) Chấm dứt hoạt động đại diện quyền đối với giống cây trồng;
b) Không còn đáp ứng các điều kiện để được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng quy định tại khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022;
c) Không thực hiện trách nhiệm đại diện quyền quy định tại khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 hoặc khoản 2 Điều 25 Nghị định này;
d) Có sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động đại diện quyền đối với giống cây trồng;
đ) Lợi dụng danh nghĩa đại diện quyền đối với giống cây trồng để thực hiện các hoạt động ngoài phạm vi dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng quy định tại khoản 1 Điều 25 của Nghị định này;
e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật bắt buộc thu hồi.
2. Khi có căn cứ thu hồi Chứng chỉ hành nghề theo quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn 15 ngày, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 31. Ghi nhận tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng
1. Tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm 2 khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 có yêu cầu ghi nhận là tổ chức dịch vụ đại diện quyền nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:
a) Đơn yêu cầu ghi nhận tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 29 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Danh sách thành viên có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng và bản sao có chứng thực quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động của tổ chức đăng ký dịch vụ đại diện quyền với thành viên đó.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.
a) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông báo ghi nhận tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng, trả kết quả cho tổ chức đăng ký và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho tổ chức đăng ký và nêu rõ lý do.
Điều 32. Ghi nhận lại tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng
1. Tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 165 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 có thay đổi thông tin về tên, địa chỉ của tổ chức có yêu cầu ghi nhận lại là tổ chức dịch vụ đại diện quyền nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:
a) Đơn yêu cầu ghi nhận lại tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 30 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Danh sách thành viên có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng và bản sao có chứng thực quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động của tổ chức đăng ký dịch vụ đại diện quyền với thành viên đó.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.
a) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông báo ghi nhận lại tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng, trả kết quả cho tổ chức đăng ký và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho tổ chức đăng ký và nêu rõ lý do.
Điều 33. Xóa tên tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng
1. Tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng bị xóa tên trong các trường hợp sau đây:
a) Chấm dứt kinh doanh dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng;
b) Không còn đáp ứng một trong những điều kiện được kinh doanh dịch vụ đại diện quyền quy định tại khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022;
c) Không thực hiện trách nhiệm đại diện quyền quy định tại khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 hoặc khoản 3 Điều 27 của Nghị định này;
d) Có sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng;
đ) Lợi dụng danh nghĩa đại diện quyền đối với giống cây trồng để thực hiện các hoạt động ngoài phạm vi dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng quy định tại khoản 1 Điều 25 của Nghị định này.
2. Trường hợp tổ chức dịch vụ đại diện quyền vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét ban hành Quyết định xoá tên tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 34. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng trên phạm vi cả nước, có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị định này:
a) Tổ chức cấp, cấp lại, đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng;
b) Tổ chức xây dựng, ban hành Tài liệu hướng dẫn hoặc Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định (khảo nghiệm DUS) đối với các loài cây trồng mới;
c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng;
d) Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trong việc thực hiện bảo hộ quyền đối với giống cây trồng;
đ) Hợp tác quốc tế về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng;
e) Quản lý hoạt động đại diện quyền đối với giống cây trồng; ghi nhận, ghi nhận lại, xóa tên, ghi nhận sửa đổi thông tin tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng; cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng;
g) Kiểm tra các hoạt động đào tạo pháp luật về quyền đối với giống cây trồng, hoạt động của tổ chức dịch vụ đại diện quyền;
h) Tổ chức hoạt động thông tin, thống kê về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng;
i) Cập nhật cơ sở dữ liệu về bảo hộ giống cây trồng tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan có thẩm quyền của Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV).
2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng theo quy định của pháp luật.
Điều 35. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.
2. Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trong việc thực hiện bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.
3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã thi hành các biện pháp quản lý nhà nước về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng tại địa phương.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 36. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2023.
2. Các văn bản sau hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành:
a) Nghị định số 88/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng;
b) Thông tư số 16/2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng;
c) Thông tư số 03/2021/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 6 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.
Điều 37. Điều khoản chuyển tiếp
Đơn đăng ký giống cây trồng đã được nộp cho cơ quan có thẩm quyền trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành tiếp tục thực hiện theo quy định của văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm nộp đơn, trừ quy định về sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký bảo hộ, khảo nghiệm DUS thì áp dụng quy định của Nghị định này nếu có thủ tục phát sinh sau thời điểm Nghị định này có hiệu lực.
Mọi quyền và nghĩa vụ theo Bằng bảo hộ được cấp theo quy định của pháp luật có hiệu lực trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và các thủ tục duy trì, sửa đổi, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền sở hữu liên quan đến Bằng bảo hộ đó được áp dụng theo quy định của Nghị định này, trừ quy định về căn cứ hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ thì áp dụng quy định của văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ.
|
TM. CHÍNH PHỦ |