CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2025/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2025 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC NGHỊ ĐỊNH TRONG LĨNH VỰC HỘ TỊCH, QUỐC TỊCH, CHỨNG THỰC
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Hộ tịch ngày 20 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 13 tháng 11 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 24 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch
1. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 5 như sau:
“a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 36 như sau:
“1. Người yêu cầu chứng thực xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Thẻ căn cước/Giấy chứng nhận căn cước hoặc Hộ chiếu, giấy tờ xuất nhập cảnh/giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị sử dụng hoặc xuất trình Căn cước điện tử và nộp 01 (một) bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực, gồm các giấy tờ sau đây:
a) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
b) Bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó; trừ trường hợp người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa đến tính mạng.”.
3. Thay thế cụm từ “bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng” tại các khoản 1 Điều 17, khoản 1 Điều 24, khoản 2 Điều 31, khoản 2 Điều 40 bằng cụm từ “bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Thẻ căn cước/Giấy chứng nhận căn cước/Hộ chiếu/giấy tờ xuất nhập cảnh/giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị sử dụng hoặc Căn cước điện tử”.
4. Thay thế cụm từ “Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu” tại khoản 2 Điều 25, cụm từ “Giấy chứng minh nhân dân/hộ chiếu” tại Phụ lục mẫu lời chứng, mẫu sổ chứng thực bằng cụm từ “Giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Thẻ căn cước/Căn cước điện tử/Giấy chứng nhận căn cước hoặc Hộ chiếu/giấy tờ xuất nhập cảnh/giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.”.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều, mục của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch về đăng ký khai sinh, kết hôn, quản lý và sử dụng Sổ hộ tịch trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được vận hành thống nhất trên cả nước (sau đây gọi là giai đoạn chuyển tiếp); đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; khai sinh, kết hôn, nhận cha, mẹ, con, khai tử tại khu vực biên giới; cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; đăng ký giám sát việc giám hộ, đăng ký chấm dứt giám sát việc giám hộ; đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam; đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Ủy ban nhân dân cấp huyện; ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn, ly hôn, hủy việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử; việc bố trí công chức tư pháp - hộ tịch làm công tác hộ tịch chuyên trách và một số biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 2 như sau:
“1. Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân, Thẻ căn cước, Căn cước điện tử, Giấy chứng nhận căn cước hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.
2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch; người yêu cầu đăng ký khai tử phải nộp Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật Hộ tịch và tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định này.
Trường hợp người yêu cầu đã nộp bản điện tử Giấy chứng sinh, Giấy báo tử hoặc cơ quan đăng ký hộ tịch đã khai thác được dữ liệu điện tử có ký số của Giấy chứng sinh, Giấy báo tử thì không phải nộp bản giấy.”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều 3 như sau: Cách thức nộp, tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ tịch, tiến hành xác minh khi giải quyết hồ sơ đăng ký hộ tịch.
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 như sau:
“1. Người yêu cầu đăng ký hộ tịch có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc đăng ký trực tuyến theo quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Hồ sơ đăng ký hộ tịch lập thành 01 (một) bộ.”.
c) Bổ sung khoản 5 Điều 3 như sau:
“5. Đối với yêu cầu đăng ký khai sinh mà cha, mẹ trẻ đã đăng ký kết hôn, trên cơ sở thông tin về Giấy chứng nhận kết hôn cung cấp trong Tờ khai đăng ký khai sinh, cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của cha, mẹ trẻ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh thông qua kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với yêu cầu đăng ký kết hôn, cơ quan đăng ký hộ tịch tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của người yêu cầu đăng ký kết hôn trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh thông qua kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Kết quả tra cứu được lưu trữ dưới dạng điện tử hoặc bản giấy, phản ánh đầy đủ, chính xác thông tin tại thời điểm tra cứu và đính kèm hồ sơ của người đăng ký.
Trường hợp không tra cứu được tình trạng hôn nhân do chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì cơ quan đăng ký hộ tịch đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu thường trú/nơi đã đăng ký kết hôn xác minh, cung cấp thông tin. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận được đề nghị xác minh có trách nhiệm kiểm tra, xác minh và gửi kết quả về tình trạng hôn nhân của người đó.”.
4. Sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 4 như sau:
“c) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh. Việc cấp Số định danh cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật Căn cước và các văn bản quy định chi tiết thi hành, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ với Luật Hộ tịch và Nghị định này;”.
5. Sửa đổi khoản 2 Điều 9 như sau:
“2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này.”.
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 22 như sau:
“4. Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người yêu cầu cung cấp các giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân tại nơi thường trú trước đây (nếu có). Trên cơ sở các thông tin được cung cấp, cơ quan đăng ký hộ tịch tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh thông qua kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp không tra cứu được do chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu thì cơ quan đăng ký hộ tịch phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện việc xác minh. Thời hạn, phương thức gửi yêu cầu xác minh thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 3 của Nghị định này.”.
7. Sửa đổi khoản 2 Điều 23 như sau:
“2. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được sử dụng để kết hôn tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài hoặc sử dụng vào mục đích khác.”.
8. Bổ sung Mục 5 Chương 3 như sau:
“Mục 5
ĐĂNG KÝ GIÁM SÁT VIỆC GIÁM HỘ, ĐĂNG KÝ CHẤM DỨT GIÁM SÁT VIỆC GIÁM HỘ
Điều 28a. Thẩm quyền đăng ký giám sát việc giám hộ, đăng ký chấm dứt giám sát việc giám hộ
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ thực hiện đăng ký giám sát việc giám hộ.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã đã đăng ký giám sát việc giám hộ thực hiện đăng ký chấm dứt giám sát việc giám hộ.
Điều 28b. Thủ tục đăng ký giám sát việc giám hộ
1. Người yêu cầu đăng ký giám sát việc giám hộ nộp Tờ khai đăng ký giám sát việc giám hộ theo mẫu quy định và văn bản là căn cứ chứng minh việc thỏa thuận cử/chọn người giám sát giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn giải quyết được kéo dài nhưng không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Điều 28c. Thủ tục đăng ký chấm dứt giám sát việc giám hộ
1. Người yêu cầu đăng ký chấm dứt giám sát việc giám hộ nộp Tờ khai đăng ký chấm dứt giám sát việc giám hộ theo mẫu quy định và giấy tờ là căn cứ chấm dứt giám sát việc giám hộ cho cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền.
2. Trình tự đăng ký chấm dứt giám sát việc giám hộ được thực hiện tương tự quy định tại khoản 2 Điều 28b của Nghị định này.
3. Tờ khai, các biểu mẫu Sổ, Trích lục hộ tịch liên quan đến đăng ký giám sát việc giám hộ, đăng ký chấm dứt giám sát việc giám hộ được ban hành theo Phụ lục kèm theo Nghị định này.”.
9. Sửa đổi khoản 3 Điều 30 như sau:
“3. Ngoài giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài nhưng qua tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; thông qua kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không thể hiện thông tin về việc đã ghi chú ly hôn, hủy việc kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn/hủy việc kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi giải quyết việc đăng ký kết hôn; nếu người có yêu cầu đăng ký kết hôn là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.”.
10. Bãi bỏ khoản 1 Điều 10 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 như sau:
“2. Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung là nền tảng của Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, bao gồm phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch và các phần mềm ứng dụng, dịch vụ do Bộ Tư pháp xây dựng, thiết kế, cung cấp cho các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch để thực hiện nghiệp vụ đăng ký hộ tịch, xây dựng, cập nhật, số hóa, chuẩn hóa và quản lý các dữ liệu hộ tịch, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung được kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh để hỗ trợ tiếp nhận, giải quyết, theo dõi tình hình tiếp nhận, giải quyết và kết quả giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch.”.
2. Sửa đổi khoản 2 Điều 8 như sau:
“2. Bộ Tư pháp triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với các cơ sở dữ liệu khác của bộ, ngành, địa phương; khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch theo quy định pháp luật.”.
3. Sửa đổi điểm c khoản 3 Điều 12 như sau:
“c) Hồ sơ đăng ký hộ tịch chỉ được tiếp nhận chính thức để xử lý trên phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung sau khi đã được hoàn thiện, bổ sung, bảo đảm đầy đủ, phù hợp quy định pháp luật.
Thời hạn giải quyết thủ tục hành chính được tính từ thời điểm hồ sơ được tiếp nhận chính thức;”.
4. Sửa đổi khoản 1, khoản 2 Điều 13 như sau:
“1. Cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 8 của Nghị định này cấp bản sao trích lục hộ tịch theo yêu cầu của cá nhân, không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký việc hộ tịch và nơi cư trú của người có yêu cầu.
2. Cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 của Nghị định này cấp xác nhận thông tin hộ tịch đối với trường hợp cá nhân có yêu cầu khai thác thông tin từ nhiều việc đăng ký hộ tịch, xác nhận các thông tin hộ tịch khác nhau của mình; cơ quan, tổ chức có yêu cầu khai thác nhiều thông tin hộ tịch của một cá nhân hoặc khai thác thông tin hộ tịch của nhiều người.”.
5. Sửa đổi khoản 7 Điều 19 như sau:
“7. Có văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để đăng ký hộ tịch trên phạm vi toàn quốc.”.
Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam
1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản, điểm Điều 10 như sau:
a) Sửa đổi tên khoản 1 Điều 10 như sau:
“1. Giấy tờ quy định tại các điểm b, d, đ, e và g khoản 1 Điều 20 Luật Quốc tịch Việt Nam là những giấy tờ sau:”.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 10 như sau:
“c) Bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quan hệ cha, mẹ, con trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp chỉ người cha hoặc người mẹ nhập quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sinh sống cùng người đó nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận có đủ chữ ký của cha mẹ về việc xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con. Văn bản thỏa thuận không phải chứng thực chữ ký; người đứng đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chữ ký của người kia.
Trường hợp cha, mẹ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì văn bản thỏa thuận được thay thế bằng giấy tờ chứng minh cha, mẹ đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;”.
c) Bổ sung điểm e khoản 1 Điều 10 như sau:
“e) Sở Tư pháp chủ động yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho người có yêu cầu xin nhập quốc tịch Việt Nam trong thời gian cư trú tại Việt Nam để hoàn thiện hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam đã có Phiếu lý lịch tư pháp tại thời điểm nộp hồ sơ.
Quy định này cũng được áp dụng đối với hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam, hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam được nộp tại Sở Tư pháp.”.
d) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 10 như sau:
“a) Trường hợp có vợ, chồng là công dân Việt Nam thì nộp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; nếu có cha, mẹ, con là công dân Việt Nam thì nộp bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha, mẹ, con, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quan hệ hôn nhân, quan hệ cha, mẹ, con trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 4 Điều 15 như sau:
“1. Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật Quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ sau:
a) Giấy tờ chứng minh đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch hoặc bị tước quốc tịch Việt Nam;
b) Giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp, xác nhận, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây của người đó.
Trường hợp thông tin về tình trạng quốc tịch Việt Nam trước đây của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có thể khai thác được tại Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan tiếp nhận không yêu cầu người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nộp các giấy tờ nêu trên.”.
“4. Con chưa thành niên cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ thì phải nộp bản sao Giấy khai sinh của người con hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quan hệ cha, mẹ, con trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp chỉ người cha hoặc người mẹ trở lại quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sống cùng người đó trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha mẹ về việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam cho con. Văn bản thỏa thuận phải có đầy đủ chữ ký của cha và mẹ, chữ ký không phải chứng thực nhưng người đứng đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam cho con phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chữ ký của người kia.
Trường hợp cha, mẹ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì văn bản thỏa thuận được thay thế bằng giấy tờ chứng minh cha, mẹ đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.”.
3. Sửa đổi khoản 1 Điều 16 như sau:
“1. Trường hợp cần thiết phải xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Luật Quốc tịch Việt Nam thì Bộ Tư pháp có văn bản nêu rõ những nội dung đề nghị Bộ Công an xác minh.”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:
a) Bổ sung khoản 1a sau khoản 1 Điều 18 như sau:
“1a. Giấy tờ chứng minh người xin thôi quốc tịch Việt Nam có quốc tịch Việt Nam là bản sao Hộ chiếu Việt Nam, Căn cước công dân, Thẻ căn cước, Căn cước điện tử, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quốc tịch Việt Nam của người xin thôi quốc tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.”.
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 18 như sau:
“3. Bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên cùng thôi quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quan hệ cha, mẹ, con trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp chỉ người cha hoặc người mẹ thôi quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sinh sống cùng người đó thôi quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận có đủ chữ ký của cha mẹ về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam cho con. Văn bản thỏa thuận không phải chứng thực chữ ký; người đứng đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam cho con phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chữ ký của người kia.
Trường hợp cha, mẹ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì văn bản thỏa thuận được thay thế bằng giấy tờ chứng minh cha, mẹ đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.”.
5. Sửa đổi Điều 30 như sau:
“Điều 30. Thẩm quyền cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam
Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp hoặc Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú vào thời điểm nộp hồ sơ.”.
6. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 31 như sau:
“b) Giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ tương tự do chính quyền cũ trước đây cấp, kể cả Giấy khai sinh trong đó không có mục quốc tịch hoặc mục quốc tịch bỏ trống nhưng trên đó ghi họ tên Việt Nam của người yêu cầu và cha, mẹ của người đó, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quốc tịch Việt Nam của người yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;”.
7. Sửa đổi Điều 32 như sau:
“Điều 32. Thẩm quyền cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam
Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp hoặc Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú vào thời điểm nộp hồ sơ.”.
8. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 33 như sau:
“b) Giấy tờ được cấp trước đây để chứng minh người đó đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống hoặc giấy tờ để chứng minh người đó khi sinh ra có cha mẹ hoặc ông bà nội, ông bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp không có bất kỳ giấy tờ nào nêu trên thì tùy từng hoàn cảnh cụ thể, có thể nộp bản sao giấy tờ về nhân thân, quốc tịch, hộ tịch do chế độ cũ ở miền Nam cấp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975; giấy tờ do chính quyền cũ ở Hà Nội cấp từ năm 1911 đến năm 1956; giấy bảo lãnh của Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nơi người đó đang cư trú, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp trong đó ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt Nam.”.
9. Bổ sung cụm từ “Thẻ căn cước, Căn cước điện tử” sau cụm từ “Căn cước công dân” tại khoản 2 Điều 4, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 24, khoản 1 và khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 29, điểm a khoản 1 Điều 31, điểm a khoản 1 Điều 33, điểm e khoản 1 Điều 35 và khoản 3 Điều 36.
Điều 5. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Hồ sơ chứng thực, hộ tịch, quốc tịch tiếp nhận trước ngày Nghị định có hiệu lực mà chưa giải quyết xong thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP , Nghị định số 123/2015/NĐ-CP , Nghị định số 87/2020/NĐ-CP , Nghị định số 16/2020/NĐ-CP .
3. Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |