Khi xảy ra một vụ án oan, sai, ngoài yếu tố người tiến hành tố tụng yếu kém về phẩm chất đạo đức hoặc chuyên môn, nghiệp vụ. Có một nguyên nhân mà ít ai ngờ đến là bản thân những người “cầm cân nảy mực” “ngại” tuyên vô tội. Rào cản vô hình này đã khiến nhiều vụ án oan, sai khó có thể được đưa ra ánh sáng và nguyên tắc “thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” chủ yếu tồn tại ở “trên giấy”.

Từ một bản án “bất thường” …

Tháng 1/2016, TAND TP.Thái Nguyên xét xử sơ thẩm vụ án Lê Xuân Hộ (là cổ đông lớn của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng) cùng đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ - Điều 281 BLHS.Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Hộ 5 năm tù, các bị cáo khác 2 năm tù.

Theo hồ sơ vụ án: ngày 12/4/2013, Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng (Công ty Gia Sàng) bán sắt thép phế liệu cho Công ty TNHH dịch vụ Thương mại Trang Oanh (theo Hợp đồng số 06/HĐKT). Cùng ngày hôm đó, lãnh đạo Công ty Gia Sàng cũng đồng ý cho xe vào thu gom xỉ cắt phôi (rác thải công nghiệp) để cho công nhân (theo văn bản đề nghị của công nhân). Sáng 12/4/2013, xe ôtô BKS 20K-5768 đã vào Công ty Gia Sàng để bốc xỉ cắt phôi theo văn bản đề nghị của công nhân. Tuy nhiên, chính vì sự trùng lập này nên tại tòa các bị cáo và nhân chứng khai là đã nhầm lẫn trong qua trình giao, nhận hàng. Bởi vậy, khi xe ôtô BKS 20K-5768 bốc hàng xong đi ra khỏi Cty Gia Sàng thì bị công an thu giữ (do hàng hóa trên xe là sắt thép phế liệu, không phải là xỉ cắt phôi như văn bản đề nghị của công nhân) và giao trả toàn bộ lại hàng cho Công ty Gia Sàng.

Sau phiên sơ thẩm, bà Vũ Thị Kiều Oanh (vợ bị cáo Hộ) đã gửi đơn đến các cơ quan báo chí tố cáo bà Nguyễn Thị Nga - thẩm phán TAND TP.Thái Nguyên. Nội dung đơn, bà Oanh cho rằng: Bà Nga đã che đậy hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án bằng nhiều “thủ thuật” như “vận động” không thuê luật sư bào chữa cho ông Hộ, không cho luật sư sao chụp một số biên bản ghi lời khai quan trọng, đến khi các biên bản này được công bố tại tòa thì bị các nhân chứng phản đối ngay vì sai...

Đặc biệt, bà Nga còn “làm méo” nội dung Bản án, biên bản phiên tòa. Cụ thể, Bản án sơ thẩm ghi: tại phiên tòa, các bị cáo Huấn, Vang khai là họ biết việc bốc hàng của chiếc xe trên là sai, biết những người đi theo xe là người nhà ông Hộ...Tuy nhiên, thực tế tại tòa, bị cáo Huấn, Vang khai họ đều nghĩ việc bốc hàng lên chiếc xe trên là hoàn toàn bình thường, bởi xe qua cổng bảo vệ tức là đã đầy đủ giấy tờ, thủ tục thì mới được vào bốc hàng. Theo bà Oanh thì chồng bà không có tội và những hành vi trên của bà Nga là cố ý để cho ra một bản án oan đối với chồng bà.

... đến việc tìm lý do Tòa “ngại” tuyên vô tội

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Quang Anh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Việt, Đoàn luật sư TP. Hà Nội (người bào chữa cho bị cáo Hộ), cho biết: “Việc Tòa án tuyên vô tội ngay là điều khó xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở chỗ khi Tòa án thụ lý vụ án thì đã qua nhiều giai đoạn tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) và những cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) đều đã “trót” kết tội bị cáo, cho nên nếu Tòa án tuyên vô tội thì nhiều cơ quan và người tiến hành tố tụng (CQ&N – THTT) sẽ phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, các thẩm phán thường “né” để tránh làm “tổn thương” các CQ&N – THTT bằng hai cách.

Cách 1: Họ sẽ tìm mọi cách để “hợp pháp hóa” việc đã “trót” kết tội các bị cáo;

Cách 2: Các thẩm phán sẽ đưa ra biện pháp “trung dung” là trả hồ sơ điều tra bổ sung (giai đoạn sơ thẩm) hoặc tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại (phúc thẩm).

(Ảnh Nhóm PV)

Đi tìm “thuốc” chữa

Trao đổi với PV, Luật sư Quang Anh cho biết thêm: Điều trước tiên cần giải quyết đó là loại bỏ tâm lý “vị nể” đối với các CQ&N-THTT, các CQ&N-THTTphải tự đặt mình vào phía người bị oan, sai, vì sai sót của người khác mà họ trở thành tội phạm, bị rơi vào cảnh tù tội, gia đình, công danh sự nghiệp tiêu tan... Những hậu quả đó lớn hơn rất nhiều so với việc bị kiểm điểm vì sai sót trong công tác đối với CQ&N-THTT.

Thứ hai là cần thực hiện triệt để quy định về trách nhiệm bồi thường của Tòa án.Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì cá nhân có thẩm quyền của Tòa án sẽ phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại phát sinh trong khoảng thời gian từ khi quyết định oan, sai đó được đưa ra cho đến khi bị can, bị cáo được xác định là không có tội. Từ đó, thẩm phán sẽ phải cân nhắc giữa một bên là việc “ngại” làm ảnh hưởng tới CQ&N-THTT khác và một bên là chính mình phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả làm oan, sai.

Trên thực tế, việc các thẩm phán lựa chọn phương thức “hợp pháp hóa” việc kết tội các bị cáo thường ít xảy ra. Đa phần, các thẩm phán lựa chọn biện pháp “trung dung” là trả hồ sơ, hủy án thay vì Tuyên vô tội, vì luật pháp trong vấn đề này còn nhiều kẽ hở. Vậy, để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp của các cơ quan liên quan, từ khâu ban hành văn bản đến khâu thực thi. Theo đó, cần có văn bản quy định cụ thể về trường hợp nào thì Tòa được trả hồ sơ, hủy án. Từ đó, Tòa sẽ có căn cứ pháp luật rõ ràng để áp dụng, cũng như khước từ sự “nể nang”.

Tòa trả hồ sơ, hủy án... những trường hợp nào?

Việc trả hồ sơ, hủy án chỉ áp dụng khi Tòa án nhận thấy bị cáo có tội, nhưng cần thiết phải điều tra bổ sung, điều tra lại để làm rõ các tình tiết của vụ án, như để xác định tội của bị cáo là tội gì (ví dụ như cùng 1 hành vi lấy tài sản của người khác nhưng cần làm rõ là trộm cắp tài sản - lén lút, hay là công nhiên chiếm đoạt tài sản - công khai), hay để làm rõ khung khoản áp dụng với tội của bị cáo, xác định mức bồi thường thiệt hại, đồng phạm...

Những trường hợp Tòa không được trả hồ sơ, hủy án…

Nếu Tòa án xác định bị cáo không phạm tội thì việc tuyên bị cáo vô tội là đương nhiên; Trong trường hợp qua xét xử, Tòa nhận thấy không đủ căn cứ chứng minh bị cáo có phạm tội hay không thì Tòa cũng cần tuyên không phạm tội. Việc làm này cũng phù hợp với nguyên tắc chứng minh tội phạm (Điều 10 - BLTTHS) và nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo của pháp luật hình sự hiện hành; Trong các trường hợp nêu trên, dù có vi phạm thủ tục tố tụng đi chăng nữa thì việc điều tra bổ sung, điều tra lại cũng là không cần thiết. Cách thức xử lý này còn phù hợp với hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 4 của Thông tư liên tịch 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC (Tòa án không trả hồ sơ nếu có vi phạm thủ tục tố tụng nhưng vi phạm đó không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng). Đối với các vi phạm tố tụng trong các trường hợp này, CQ&N-THTT có thể tự kiểm điểm hoặc kiến nghị cơ quan vi phạm kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Trở lại vụ án ở Cty Gia Sàng, Luật sư Quang Anh cho biết: “có căn cứ để cho rằng bị cáo Hộ không có hành vi như quy kết của Tòa án sơ thẩm, bởi không có chứng cứ nào thể hiện việc bị cáo Hộ điều động việc bốc hàng lên xe ôtô 20K-5768 để đem đi tiêu thụ (đây là trường hợp không có sự việc phạm tội – khoản 1, Điều 107 BLTTHS). Mặt khác, kể cả bị cáo Hộ có những hành vi như quy kết của cấp sơ thẩm đi chăng nữa thì hành vi đó cũng không cấu thành tội phạm – khoản 2 Điều 107 BLTTHS (bởi ông Hộ chỉ đại diện cho phần vốn của cá nhân ông Hộ và Cty Gia Sàng không phải Cty nhà nước nên không có yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được.

Hơn nữa, thiệt hại thực tế cũng không xảy ra – nên không thể cấu thành tội theo Điều 281 BLHS). Bởi vậy, Căn cứ Điều 251 BLTTHS, Tòa án cấp phúc thẩm cần hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án, không nên hủy án để điều tra, xét xử lại, kéo dài vụ án, làm tăng hậu quả oan sai”.

Dư luận mong mỏi sau bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, Chính quyền nhiệm kỳ mới sẽ mang ánh sáng công lý tới người dân vô tội.

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer