Đại án tại Ngân hàng Xây dựng được coi là thiệt hại lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng, từ đó rút ra nhiều bài học về đào tạo, sử dụng cán bộ.
Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa tuyên bản án hình sự sơ thẩm đối với Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (gọi tắt là Ngân hàng Xây dựng) 30 năm tù; Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng 22 năm tù và các mức án đối với 34 bị cáo khác trong vụ án kinh tế lớn xảy ra tại ngân hàng này, gây thiệt hại hơn 9.133 tỷ đồng. Đây được coi là thiệt hại lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng từ trước đến nay. Từ vụ án, có thể rút ra nhiều bài học về công tác đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ tại Ngân hàng Xây dựng.
Bị cáo Phạm Công Danh được dẫn giải đến tòa
Sáng 29/7/2016, phiên toà bắt đầu ngày làm việc bằng việc thẩm vấn chuyên ngành đào tạo của Phạm Công Danh. Bị cáo khai mình học ngành quản trị kinh doanh, nhưng không nhớ học trường nào, khoá nào, học các môn gì, thời gian học ra sao… Hội đồng xét xử công bố bằng phô-tô cử nhân quản trị kinh doanh số A1825, do trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cấp mà bị cáo nộp trong hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước để được làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng. Tuy nhiên, đối chiếu với sổ cấp bằng của trường đại học này thì không có sinh viên nào tên là Phạm Công Danh. Chủ toạ phiên toà đề nghị xem xét để xử lý về hành vi sử dụng bằng giả của bị cáo Phạm Công Danh.
Cáo trạng và thẩm vấn tại tòa cho thấy, lợi dụng việc nắm quyền chi phối khi đại diện cho nhóm cổ đông Thiên Thanh, chiếm gần 85% số cổ phần và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo hội đồng quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát và các chi nhánh của ngân hàng này thực hiện các hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 9.000 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Phạm Công Danh là người chỉ đạo, tổ chức thực hiện, người giúp sức đắc lực cho Phạm Công Danh là Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng – người cũng không được đào tạo về lĩnh vực ngân hàng, không hề có kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng, nhưng lại được Danh giao viết đề án tái cơ cấu ngân hàng này.
Luật sư Nguyễn Quang Anh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã dẫn ra quy định tại Điều 50, Luật Các tổ chức tín dụng quy định tiêu chuẩn, điều kiện thời gian làm tổng giám đốc ngân hàng. Luật sư khẳng định, trên thực tế, bị cáo Phan Thanh Mai không có đủ năng lực làm Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng. Tuy hoàn toàn không có đủ một điều kiện nào cả, nhưng Phan Thành Mai vẫn được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng này.
Bị cáo Phan Thành Mai đến tòa
Luật sư Nguyễn Quang Anh phân tích: “Mai không có đủ 5 năm làm người điều hành của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam; không có đủ 5 năm làm tổng giám đốc, phó tổng giám đốc doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định, quy định của ngân hàng thương mại thời điểm đó là 3.000 tỷ đồng; Mai cũng không có đủ 10 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, kế toán, hoặc kiểm toán”.
Có thể nói, được lãnh đạo bởi Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Công Danh, không được đào tạo chuyên ngành ngân hàng, thậm chí còn có hành vi sử dụng bằng giả; được lãnh đạo bởi Tổng Giám đốc Phan Thành Mai, tuy được đào tạo ở nước ngoài, nhưng là chuyên ngành xây dựng - kiến trúc, nên thật dễ hiểu tại sao giai đoạn 2012-2014, Ngân hàng Xây dựng không thể kiểm soát hoạt động, mất cân đối thanh khoản nghiêm trọng… Những người đứng đầu ngân hàng này lại bày ra nhiều thủ đoạn nhằm có tiền “đắp vá” cho hoạt động ngày càng xuống dốc không phanh của doanh nghiệp này.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và thẩm vấn tại phiên toà đã làm sáng tỏ nhiều hành vi của liên minh lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng khi ấy như: lập hồ sơ khống để rút tiền; thành lập hơn chục công ty “ma” với những giám đốc “hờ” chỉ để vay tiền, rút ruột ngân hàng; chi lãi suất vượt trần quy định; nâng khống giá trị tài sản thế chấp…
Các lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Xây dựng nuôi giấc mộng thành lập một ngân hàng chuyên về xây dựng và bất động sản nhưng họ rất thiếu, rất yếu về nghiệp vụ, không có kinh nghiệm quản lý ngân hàng. Hệ quả tất yếu của quá trình trượt theo “con tàu đắm” đó là nhà tù, nơi những bị cáo này sẽ có thời gian ngẫm nghĩ và nhận thức rằng, hoạt động ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh chuyên ngành đặc biệt, cần được đào tạo cơ bản đúng chuyên môn, có kinh nghiệm và trên hết là phải thực thi điều hành, quản lý, quản trị ngân hàng đúng pháp luật.
Thời điểm đó, không tin tưởng vào những người cầm lái con tàu sắp đắm - Ngân hàng Xây dựng, khoảng 300 cán bộ trên ngân hàng, dưới chi nhánh đã lần lượt ra đi. Nhân sự thiếu trầm trọng, có thời điểm, ban lãnh đạo của ngân hàng chỉ còn 2-3 người.
Những lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Xây dựng có xuất thân như thế thì thật dễ hiểu tại sao quy trình hoạt động, đặc biệt là việc cho vay vốn của ngân hàng này lại dễ dàng vi phạm pháp luật đến thế. Nhiều người tham dự phiên toà còn thấy rõ hoạt động tuỳ tiện, chủ quan của ngân hàng này khi đó như: lập quỹ dự phòng trên sổ sách, ký biên bản họp hội đồng quản trị mà không hề họp, thường xuyên chỉ đạo miệng, việc ghi sổ tay thay chứng từ, việc “mượn tạm” số tiền lên đến trên 63 tỷ đồng do ngân hàng “đói” quá và mong hội đồng xét xử “thông cảm”…; đặc biệt, chứng kiến hành động quát luật sư của Phạm Công Danh.
Hành vi của các bị cáo Phạm Công Danh và Phan Thành Mai đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, quy định tại các điều 165, 179 Bộ luật Hình sự, đã gây hậu quả nặng nề và làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, đến uy tín của ngành ngân hàng.
Từ đại án tại Ngân hàng Xây dựng đã cho thấy nhiều lỗ hổng lớn trong công tác đào tạo, bổ nhiệm cán bộ
Cũng liên quan công tác đào tạo, đào tạo lại nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên, tại phiên tòa, Nguyễn Quốc Sơn, nguyên nhân viên tín dụng Ngân hàng Xây dựng khai nhận, bị cáo và các nhân viên trong suốt những năm làm việc không được tham dự một lớp học nghiệp vụ nào. Rõ ràng đây cũng là một lỗ hổng trong hoạt động ngân hàng, bởi lĩnh vực này đòi hỏi phải luôn phải cập nhật chủ trương, chế độ, chính sách, văn bản chỉ đạo của cấp trên.
Một lỗ hổng nữa trong công tác cán bộ ở vụ đại án này, đó là vai trò, trách nhiệm của các cá nhân Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và Tổ Giám sát tại Ngân hàng Xây dựng vào thời điểm bị kiểm soát đặc biệt đối với các giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên. Về phần này, cơ quan điều tra đã tách riêng trong một vụ án khác. Tại phiên toà sơ thẩm, hội đồng xét xử cũng đưa ra nhiều kiến nghị đối với Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an), Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật đối với nhiều cá nhân liên quan. Đồng thời, ông Phạm Lương Toản, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu những kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước. Đó là: Chấn chỉnh hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động của các ngân hàng thương mại. Kiểm soát chặt chẽ việc tái cơ cấu tổ chức tín dụng theo đúng quy định pháp luật để không xảy ra sự việc tương tự. Xử lý về mặt hành chính đối với các cá nhân là cán bộ ngân hàng có sai phạm, nhưng chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Theo ông Trịnh Hữu Thịnh, người đã có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy pháp luật, thì những người làm nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là người đứng đầu một ngân hàng, cần phải có chuyên môn nghiệp vụ sâu và phải thực thi nhiệm vụ đúng pháp luật.
Vụ án kinh tế lớn tại Ngân hàng Xây dựng đã cho thấy một số bài học về công tác cán bộ. Đây là một trong 8 vụ án trọng điểm mà Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng yêu cầu đưa ra xét xử nghiêm minh, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật; đồng thời củng cố niềm tin vào công lý trong dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân ta./.
Theo https://vov.vn/