Trong những năm gần đây, có rất nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến việc xâm phạm chỗ ở của công dân, vấn đề này đã được quy định từ hiến pháp, đến bộ luật hình sự, thậm chí là cả dân sự và hành chính, tưởng như việc có nhiều văn bản luật điều chỉnh thì vấn đề này sẽ được đơn giản hóa hơn khi thực hiện, nhưng trên thực tế lại có rất nhiều vấn đề phức tạp cần xem xét.

                                                            Nguồn ảnh: Internet.

1. Thực trạng vấn đề xâm phạm chỗ ở của công dân

Từ vụ án phó chánh án TAND quận 4 TP Hồ Chí Minh cùng giảng viên trường nghiệp vụ kiểm sát bị khởi tố vì có hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân tại ngôi nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm hồi tháng 10/2019 đến vụ việc được TAND huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên xét xử đối với bị cáo Phạm Ngọc Sơn cùng hai đồng phạm là Phạm Minh Tuấn và Vũ Việt Điền (cả ba cùng ngụ TP Thái Nguyên). Các bị cáo này đã chiếm nhà của một người vay nợ và gây sức ép phải trả tiền, khiến người phụ nữ này căng thẳng, túng quẫn phải tìm đến cái chết! Thực tế cũng có rất nhiều vụ việc khiến người dân than khóc khi nhà cho thuê, cho mượn, đến hạn mà vẫn không đòi được tiền, không lấy được nhà bởi vì người thuê nhà, mượn nhà chầy ì trốn tránh.

Sự việc đi đến nước khi cả hai bên không thể cùng nhau thương lượng được nữa, lại kiện tụng lôi nhau ra tòa. Cho dù bên cho thuê có đầy đủ giấy tờ hợp pháp chứng minh tài sản là của mình, lại có đủ giấy trắng mực đen chứng minh cả việc cho thuê cho mượn, nhưng lại tốn kém quá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đi đòi lại. Có nhiều người vì không muốn tốn thời gian tiền bạc để thực hiện theo các trình tự thủ tục thi hành án nên lại dẫn đến một tình trạng là thuê người của công ty bảo vệ đến chiếm nhà, hay ủy quyền cho những người có địa vị, chức quyền đến chiếm lại “chỗ ở”, nhưng vấn đề là, người được ủy quyền lại không có thẩm quyền. Chưa kể, có nhiều trường hợp trên thực tế khi mà “chủ nhà thật” có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, nhưng là giấy tờ hết hiệu lực vì luật mới sửa đổi, mặt khác vì họ sống ở nước ngoài quá lâu, nay về nước muốn lấy lại nhà, tuy nhiên “chủ nhà giả” sống ở đấy hơn chục năm nay, có hàng xóm láng giềng chứng minh, có giấy trắng mực đen chứng minh, thế rồi ai bảo vệ quyền lợi cho “chủ nhà thật”?

Trên thực tế sẽ có nhiều giả thiết hơn thế nữa, càng đặt ra nhiều giả thiết, lại càng thấy những quy định của pháp luật còn tồn tại những bất cập và thiếu sót.

2. Quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân theo quy định của pháp luật

Điều 22 Hiến pháp 2013 quy định như sau: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định”.

Khoản 9 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012: “Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”.

Theo quy định tại khoản 1 điều 12 Luật cư trú thì "chỗ ở hợp pháp" được định nghĩa như sau: "Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật".

Vậy thì, “chỗ ở” hay “chỗ ở hợp pháp” là đối tượng điều chỉnh của Tội xâm phạm chỗ ở của công dân theo quy định tại điều 158 Bộ luật Hình sự?

“ 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;

c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;

d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Chỗ ở của người khác được hiểu là nơi ở thường xuyên hoặc tạm trú, cố định hoặc di động thuộc sở hữu của họ hoặc cũng có thể là do họ thuê, mượn. Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện. Động cơ và mục đích phạm tội của người thực hiện hành vi phạm tội này rất đa dạng nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Theo quy định tại điều 158 Bộ luật hình sự nói trên thì:

- Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác: là hành vi khám xét, lục soát chỗ ở của người khác để tìm người, đồ vật, tang chứng,.. mà không được sự đồng ý của họ và trái với các quy định của pháp luật (hành vi của người không có thẩm quyền trong việc khám chỗ ở của người khác mà đã tự tiện vào và khám xét chỗ ở của họ mà không được sự đồng ý; hoặc hành vi của người có thẩm quyền trong việc khám xét chỗ ở của người khác nhưng đã khám xét chỗ ở của người khác không chấp hành đúng căn cứ, thẩm quyền và thủ tục khám xét chỗ ở đã được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định tại các Điều 192, 193, 195).

- Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ: Đây là hành vi của người phạm tội buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở của họ mà không phải là cưỡng chế thi hành quyết định hợp pháp của cơ quan có thẩm quyền. Người phạm tội thực hiện hành vi bằng các thủ đoạn như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;

- Hành vi chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ. Hành vi lấn chiếm chỗ ở của người khác bằng cách lợi dụng chủ nhà đi vắng đã tự tiện phá khóa vào ở hoặc ngăn cản người bị hại vào nơi ở của họ.

- Hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác như hành vi tự ý vào nơi ở của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ.

Như vậy, mọi hành vi xâm phạm trái phép chỗ ở mà chưa được công dân đồng ý thì có thể vi phạm pháp luật hình sự và bị xử lý, bất kể chỗ ở đó có hợp pháp hay không.

3. Bất cập và hạn chế trong quy định của pháp luật về vấn đề xâm phạm chỗ ở của công dân.

Điểm mấu chốt của vấn đề chính là gây ra sự chồng chéo về quyền lợi giữa một bên là bảo vệ chỗ ở của công dân và một bên là bảo vệ tài sản của công dân.

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác được điều luật liệt kê bốn nhóm hành vi. Người nào phạm một trong bốn nhóm hành vi nói trên được coi là phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân. Tuy nhiên, điều luật chỉ nói là “chỗ ở” chứ không nói là “chỗ ở hợp pháp”. Vậy chẳng phải “chỗ ở bất hợp pháp” và “chỗ ở hợp pháp” cũng là “chỗ ở” hay sao? Ví dụ như nhà ở đã được cấp quyền sở hữu nhà nhưng cũng có thể là bất hợp pháp như ở gầm cầu, vỉa hè, công viên…

Ngay trong vụ án tranh chấp căn nhà tại số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm nói trên, nếu việc mua bán nhà giữa bà Thảo và bà Chi chưa hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu thì về mặt pháp lý, căn nhà trên vẫn thuộc quyền sở hữu của bà Chi. Việc bà Thảo đưa trước tiền cọc chỉ là biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng mua bán nhà. Nếu bà Chi có thỏa thuận cho bà Thảo vào ở căn nhà này thì việc bà Thảo vào ở trước khi hoàn thiện thủ tục là hợp pháp. Do đó, ông Tùng và ông Nam có hành vi xâm phạm chỗ ở hợp pháp của bà Thảo là trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, nếu bà Chi không có thỏa thuận cho bà Thảo vào ở căn nhà này mà bà Thảo cứ vào ở trong căn nhà này thì việc bà Thảo vào ở là bất hợp pháp. Trong tình huống này, ông Tùng và ông Nam không có hành vi xâm phạm chỗ ở hợp pháp của bà Thảo nên không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn là nơi ở của công dân thì cũng không thể tự ý cưỡng chế, muốn làm gì thì làm dù nơi ở này hợp pháp hay không hợp pháp.

Pháp luật bảo vệ quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân nhưng đồng thời vẫn phải bảo đảm quyền lợi về mặt tài sản cho công dân. Như đã đặt vấn đề ở trên, những “chủ nhà thật” trong trường hợp muốn đòi lại nhà thì pháp luật bảo vệ họ bằng cách nào? Đối với những trường hợp chiếm giữ nhà trái pháp luật thì cơ quan chức năng sau khi kiểm tra, xác minh lại mất thêm nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thì lợi ích của công dân đã bị ảnh hưởng nặng rồi. Chưa kể, thủ tục tố tụng, thi hành án còn rườm rà, lằng nhằng và kéo dài, kéo dài càng lâu thì người dân càng thiệt thòi.

Nhiều người dân rơi vào tình huống trên đều nảy sinh một tâm lí là nếu báo cho cơ quan chức năng thì vừa tốn tiền vừa mất thời gian, bởi thực tế là như thế thật. Việc chậm xử lí trên thực tế cũng sẽ dẫn đến một hậu quả tiêu cực là họ trực tiếp “ra tay” hoặc thuê xã hội đen đến đòi lại nhà, và làm như vậy thì họ lại càng thiệt thòi hơn khi vướng phải quy định tại điều 158 nói trên.

4. Giải pháp

-  Hoàn thiện các quy định của pháp luật. Như đã nói, pháp luật cần quy định rõ ràng giữa “chỗ ở” và “chỗ ở hợp pháp” để đảm bảo quyền lợi cho các bên có liên quan.

- Rút gọn thủ tục tố tụng. Trường hợp đã xác minh được chủ sở hữu trong giả thiết chủ sở hữu bị chiếm giữ nhà trái phép thì cơ quan chức năng sau khi xác minh cần phải có quyết định nhanh chóng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Phía Tòa án cần thông qua thủ tục rút gọn để xét xử và sớm bàn giao tài sản cho chủ sở hữu, tránh để tình trạng kéo dài vừa tốn tiền, vừa tốn sức.

- Về phía người dân, chúng ta hoàn toàn có thể cảm thông cho những trường hợp bị mất nhà mà không thể đòi, lại tốn công tốn sức như vậy, tuy nhiên pháp luật sinh ra là để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo một trật tự thống nhất, người dân không thể vì lợi ích trước mắt của mình mà làm đảo lộn trật tự pháp luật, cuối cùng cũng chỉ rước họa vào thân. Nếu phía cơ quan chức năng có chậm chạp trong quá trình điều tra xử lí, thì cũng nên kiên nhẫn hoặc góp ý, cung cấp đầy đủ không bỏ sót chứng cứ, tài liệu chứ không nên tự ra tay. Đồng thời, cũng nên thận trọng trong việc cho thuê, mượn nhà, cần kiểm tra đầy đủ giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu tài sản của mình, giấy tờ bàn giao có công chứng, theo dõi các quy định mới của pháp luật để đảm bảo giấy tờ của mình vẫn còn hiệu lực. Mọi giao dịch đều phải được lập thành văn bản rõ ràng, không nên chủ quan.

TTTT.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer