Mới đây, sau hàng loạt những scandal tai tiếng của các nghệ sỹ lớn bị bóc trần bởi một doanh nhân nổi tiếng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhanh chóng ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm và tạo môi trường mạng xã hội an toàn, lành mạnh,… Vậy từ nay, người dùng mạng xã hội phải làm thế nào để “bóc phốt” đúng luật? Làm cách nào để sử dụng mạng xã hội như một công cụ vạch trần cái xấu mà không vi phạm quy tắc ứng xử trên mạng?
Ảnh minh họa, Nguồn: Internet.
Những vi phạm mà người dùng mạng xã hội dễ mắc phải khi “bóc phốt” người khác
1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác
Thông thường, khi bóc phốt một ai đó, người bóc phốt thường có xu hướng dồn nén sự bức xúc, khó chịu của mình vào trong bài bóc phốt, từ đó dẫn đến việc thường sử dụng những lời lẽ thô tục, chửi bới người khác. Theo quy định điểm a khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2019 thì đây là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trên môi trường mạng.
- Nguy cơ bị xử phạt hành chính: Theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
- Bị xử lý hình sự: Nếu việc “bóc phốt” xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác thì người bóc phốt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015:
“Điều 155. Tội làm nhục người khác
- Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm…”
Phương thức sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, do đó, người thực hiện hành vi phạm tội sẽ có thể đối mặt với án phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin của người khác
Người “bóc phốt” trên mạng xã hội thường sẽ đính kèm hình ảnh hoặc thông tin cá nhân của người bị bóc phốt và việc sử dụng hình ảnh cá nhân này chắc chắn không chủ sở hữu cho phép. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân mà không được người đó đồng ý là vi phạm quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
Trường hợp tự ý sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác để đăng bài “bóc phốt” trên facebook có thể sẽ bị xử lý theo điểm e khoản 3 Điều 102 của Nghị định 15/2020. Theo đó, mức phạt đối với hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật là từ 20 - 30 triệu đồng.
3. Vu khống người khác
Ngày nay, những bài “bóc phốt” sai sự thật nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín của người khác hoặc PR tên tuổi cho người bóc phốt đều tràn lan trên mạng xã hội. Nhiều người chỉ vì cảm xúc cá nhân hoặc lợi ích trước mắt mà không lường trước những rủi ro pháp lý có thể phải chịu khi lan tỏa những thông tin sai sự thật. Cụ thể, người “bóc phốt” sai sự thật có nguy cơ phải chịu trách nhiệm về hành vi Vu khống và có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
- Về mức xử phạt vi phạm hành chính: theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020, nếu lợi dụng mạng xã hội để thông tin sai sự thật, xuyên tạc vu khống người khác thì bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
- Về trách nhiệm hình sự: Tội Vu khống được quy định tại Điều 156 BLHS 2015:
“ Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;...”
Ngoài ra, hành vi sử dụng mạng máy tính, phương tiện điện tử để vu khống người khác là tình tiết tăng nặng thuộc Khoản 2 Điều 156 nên hình phạt đối với người phạm tội sẽ là phạt tù từ 01 - 03 năm.
4. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác
Trong một số trường hợp, người bóc phốt sử dụng các tin nhắn chụp màn hình cuộc nói chuyện riêng tư của người khác để “bóc phốt” trên mạng xã hội mà không lường trước được hành vi đọc trộm và phát tán tin nhắn của người khác là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Cụ thể là Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015. Với hành vi đọc trộm và “tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác” (điểm d khoản 2 Điều 159 BLHS) thì người phạm tội có nguy cơ đối mặt án tù từ 1-3 năm.
Cần lưu ý những gì khi bóc phốt để không vi phạm pháp luật
Nhìn một cách tích cực, việc bóc phốt không hẳn là xấu khi qua đó người dân có thể biết được sự thật về sản phẩm/ dịch vụ kém chất lượng, các chiêu trò lừa đảo, hoặc lật tẩy những hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật của một số người… mà các biện pháp khác không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả. Tuy nhiên cũng có không ít những cá nhân lợi dụng việc bóc phốt để thu hút tương tác, hay thậm chí “dìm hàng”, đặt điều nói xấu người khác. Do đó, để những bài “bóc phốt” phát huy đúng mặt tích cực là phơi bày cái xấu và giúp người bóc phốt tránh được nguy cơ vi phạm pháp luật, cần lưu ý một số điểm như sau:
Thứ nhất, cần tuân thủ nghiêm ngặt bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (được BTT & TT ban hành ngày 17/6/2021), bao gồm:
- Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.
- Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
- Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.
- Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác;
- Không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép...
Thứ hai, không sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác khi chưa được phép để đăng bài bóc phốt. Khi xin phép sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác, nên lập thành văn bản hoặc lưu lại bằng chứng chứng minh đã được chấp thuận. Đồng thời, không đăng tải những tin nhắn được chụp trộm, chụp màn hình cuộc nói chuyện riêng tư của người khác lên mạng xã hội để bóc phốt.
Thứ ba, khi có thông tin xác thực về một hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức, người bóc phốt cần lưu giữ lại hình ảnh, video thể hiện rõ thời gian truy cập, link đến trang cá nhân chính chủ (thậm chí để chắc chắn nhất thì nên lập vi bằng) và chuẩn bị các tài liệu chứng cứ để tố cáo với cơ quan công an.Việc tố cáo kịp thời không chỉ giúp cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, đưa ra phương hướng xử lý hành vi phạm tội mà đây cũng là căn cứ loại trừ TNHS của chính bản thân người bóc phốt đối với tội Không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 389 BLHS 2015.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com