Hiện nay sự phát triển của công nghệ thông tin và các mạng xã hội ngày càng trở lên phổ biến mang lại nhiều tiện ích cho con người và góp phần phát triển xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại cũng tiềm ẩn nhiều mối đe dọa đến từ loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Một số hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao trong thời gian gần đây

Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, từ đầu năm 2020 đến nay, Cục đã phát hiện khoảng 4.100 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Trong đó, có 776 vụ việc lừa đảo qua mạng viễn thông bằng thủ đoạn giả danh cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, bưu điện…, đe dọa, yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin tài khoản hoặc chuyển tiền.

Một số “chiêu trò” lừa đảo phổ biến được các nhóm đối tượng này sử dụng bao gồm:

Thứ nhất, giả mạo các cơ quan chức năng như: Công an, Viện Kiểm Sát, Tòa Án,…..thực hiện hành vi lừa đảo người dân, khiến người dân hoang mang và yêu cầu chuyển những khoản tiền lớn với lý do phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án. Chiêu trò này đã được Bộ Công An cảnh báo người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng:

https://www.saovietlaw.com/tin-tuc-phap-luat/bo-cong-an-canh-bao-thu-doan-mao-danh-can-bo-nha-nuoc-de-lua-dao/

https://www.saovietlaw.com/tam-diem-du-luan-1/mao-danh-cong-an-vien-kiem-sat-lua-dao-chiem-doat-hang-ty-dong/

Thứ hai,  giả mạo người nước ngoài gửi quà và nhân viên hải quan gọi điện yêu cầu nộp tiền

Thông thường, các đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo người nước ngoài để tiếp cận nạn nhân trên mạng xã hội, nói gửi quà gồm những món đồ có giá trị về Việt Nam và yêu cầu nạn nhân nộp tiền thuế hoặc phí hải quan để nhận quà. Sau đó, đồng bọn của chúng sẽ giả danh nhân viên hải quan, nhân viên thuế gọi điện yêu cầu nạn nhân chuyển tiền. Nhóm lừa đảo này lợi dụng tâm lý chủ quan và lòng tham của người dân để chiếm đoạt tài sản.

https://www.saovietlaw.com/tu-van-luat-dan-su-1/lua-dao-bang-viec-gui-hang-tu-nuoc-ngoai-ve-viet-nam/

Thứ ba, giả mạo cán bộ ngân hàng hoặc trang web, tổng đài, ứng dụng của ngân hàng để lấy cắp thông tin tài khoản, mật khẩu của khách hàng để chiếm đoạt tài sản.

Hàng loạt các ngân hàng đã và đang phải gửi cảnh báo cho khách hàng của mình do hình thức lừa đảo này khá chuyên nghiệp và ngày càng được mở rộng về quy mô, bằng hình thức này các đối tượng không chỉ chiếm đoạt được tài sản thông qua việc lấy cắp thông tin để thực hiện các giao dịch chuyển khoản, rút tiền mà còn xâm phạm vào những thông tin cá nhân người dùng thậm chí bán thông tin khách hàng cho bên thứ ba.

https://www.saovietlaw.com/tam-diem-du-luan-1/bo-cong-an-canh-bao-thu-doan-lua-dao-moi-qua-mang/

Thứ tư, lừa đảo thông qua sàn giao dịch tiền ảo.

Trong thời gian vừa qua, rất nhiều sàn giao dịch tiền ảo nổi lên mạnh mẽ, được xem như một kênh đầu tư lợi nhuận cao thu hút người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động đầu tư khác. Về phương thức hoạt động, người dân phải sử dụng tiền thật để mua các đồng tiền ảo trên website hoặc các app của công ty, phương thức mua vào và bán ra tương tự như chơi chứng khoán/ Tuy nhiên, sau khi người dân nạp vào số lượng tiền đủ lớn thì nhóm đối tượng đứng sau các sàn giao dịch sẽ đánh sập sàn và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách hàng đã bỏ ra. Chỉ một thời gian ngắn đã có hàng chục sàn giao dịch tiền ảo bị sập, kéo theo hàng trăm nghìn tỷ của các nhà đầu tư, tuy nhiên pháp luật Việt Nam hiện nay không công nhận tiền ảo là phương thức thanh toán, tài sản hay một loại hàng hóa, dịch vụ nào khác, do đó, gần như không có căn cứ bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp này.

https://www.saovietlaw.com/nghien-cuu-binh-luan-phap-luat/tien-ao-tien-mat-tat-mang/

Thứ năm, lừa đảo bán hàng dưới hình thức đa cấp

Các đối tượng lừa đảo thường kêu gọi tuyển đại lý, tổng kho buôn cam kết cho trả hàng hoàn tiền nếu không bán được hàng, hoặc mở các trang cá nhân bán hàng để yêu cầu nạn nhân chuyển khoản đặt cọc nhận hàng. Ngay sau khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng không giao hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng,.. và xóa toàn bộ dấu vết.

https://www.saovietlaw.com/tin-tuc-phap-luat/ha-nam-triet-pha-duong-day-lua-dao-chuyen-nghiep-qua-mang-xa-hoi/

Thứ sáu, giả mạo người quen để vay tiền

Khi đó, kẻ gian chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội của nạn nhân và nhắn tin cho người quen của chủ tài khoản yêu cầu họ cho vay tiền và chuyển tiền vào một số tài khoản lạ. Chiêu trò lừa đảo này đã diễn ra từ lâu nhưng vẫn rất nhiều người mắc bẫy.

Trách nhiệm pháp lý đối với những kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sử dụng công nghệ cao

Theo quy định pháp luật hiện hành, tùy theo tính chất, mức độ, mà cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản qua mạng có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu TNHS về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản/Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện . Cụ thể như sau:

Trách nhiệm hành chính:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, trường hợp lừa đảo nếu chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt hành chính đến 02 triệu đồng.

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một

trong những hành vi sau đây:

…c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;”

Trách nhiệm hình sự: Trên thực tế, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, hay qua các phương tiện điện tử ngày càng tinh vi, có nhiều biến tướng. Dưới đây là hai tội danh mà cá nhân thực hiện các chiêu trò lừa đảo nêu trên có thể bị truy tố:

- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Bản chất của các chiêu trò nói trên được xem xét là thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản trong cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 173 BLHS 2015. Thủ đoạn gian dối được hiểu là việc đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư, email, tin nhắn,...), bằng hành động khác. Đặc biệt, nếu số tiền chiếm đoạt có giá trị lớn thì những kẻ phạm tội có nguy cơ phải đối mặt với hình phạt tù tối đa lên đến 20 năm hoặc phạt tù chung thân.

-Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

Để kết luận hành vi có cấu thành tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hay không, cần xem xét 2 yếu tố sau

Điều kiện cần: có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử

Điều kiện đủ : hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử là căn nguyên trực tiếp dẫn đến việc thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 290 BLHS 2015:

“Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của Cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản….

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

 

Cách nhận biết và phương án xử lý khi gặp phải những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp

Những kẻ lừa đảo thường có “chiêu” đánh vào tâm lý của bị hại, thông thường chúng sẽ sử dụng những thông tin khiến người bị hại hoang mang, lo lắng hoặc vui mừng quá độ sau đó hối thúc bị hại mau chóng chuyển tiền khiến cho nạn nhân rối loạn, mất khả năng phán đoán tình huống và dễ dàng nghe lời. Chính vì vậy, những kẻ lừa đảo sẽ luôn tránh gặp mặt trực tiếp và không cho bạn thời gian để cân nhắc vấn đề.

Hãy nhớ một vài lưu ý sau để tránh mắc bẫy của những kẻ lừa đảo:

  1. Cơ quan chức năng sẽ làm việc trực tiếp và có thông qua văn bản gửi đến chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và thân nhân gia đình người mà họ muốn làm việc.  Cơ quan công an tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội
  2. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân, số điện thoại, số tài khoản, mã OTP,… cho bất kỳ ai không quen biết. Khi sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, cần kiểm tra kỹ website và ứng dụng phải là website và ứng dụng chính thức của ngân hàng. Tuyệt đối không chia sẻ mật khẩu, mã OTP trên những link khác ngoài ngân hàng.
  3. Trước khi chuyển tiền cho bạn bè, người thân vay, cần gọi điện trực tiếp với người đó để xác nhận
  4. Tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, hoặc các công ty nhận đại lý, cộng tác viên,…. Nếu không tìm thấy thông tin đăng ký kinh doanh, địa chỉ trụ sở, số điện thoại,… hoặc các thông tin đó không đúng thì tuyệt đối không đầu tư.
  5. Nếu bạn cảm thấy lăn tăn trước một vụ việc, hoặc trước khi giao dịch một thương vụ mua bán nào đó, hãy liên hệ ngay với Luật sư, hoặc nhanh chóng tham khảo ý kiến từ người nhà…

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếpSố 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Emailcongtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer