Tâm hồn lương thiện của một “kẻ cướp”.
Với ngòi bút sắc sảo và góc nhìn mới lạ, Nam Cao ngày ấy đã phác họa thành công nhân vật Chí Phèo, một kẻ bị đầy đọa đến bước đường cùng khi xã hội đã không còn dung thứ cho hắn nữa. Nếu không có bát cháo hành cùng tình yêu của Thị Nở, hẳn cũng chẳng ai nhận ra ánh sáng lương thiện trong tâm hồn của một kẻ chuyên đi ăn vạ. Thời xưa làng Vũ Đại có Chí Phèo, thời nay xã hội ngỡ ngàng trước Nguyễn Đức Tuân – thanh niên 5 lần tự tử không thành nên đã chọn đi cướp để được ngồi tù.
Trao đổi với phóng viên bằng chất giọng chậm rãi, vững vàng, Tuân kể, anh ta cảm thấy vô cùng buồn chán "chuyện gia đình”. Anh ta không có sự quan tâm của cha, không còn mẹ, không có người yêu và chẳng có một ai bên cạnh trong suốt nhiều năm. Tám năm lao động bên Trung Quốc, đã nhiều lần Tuân tự tử nhưng không thành, và “chẳng hiểu sao mình lại không chết được”. Sau đó trở về Việt Nam, anh ta ra Hà Nội và tìm đến các bệnh viện để xin hiến tạng cùng tất cả máu và mô trên cơ thể. Anh ta yêu cầu thực hiện ngay lập tức vì muốn mình chết đi vẫn có thể giúp ích cho cuộc đời. Dĩ nhiên, yêu cầu bất bình thường này không được các bác sỹ đồng ý. Đến thần chết cũng từ chối anh ta.
Trường hợp của Nguyễn Đức Tuân xem ra còn bất hạnh hơn Chí Phèo của Nam Cao; bởi vì cuộc đời của hắn chưa có một ai cảm thông lo lắng cho hắn cả. Nếu có, hẳn con người ta sẽ không bị đẩy vào đường cùng tuyệt vọng đến như thế. Một con người không còn thiết tha sự sống nhưng cũng không thể chết được, hẳn sẽ sinh ra những ý nghĩ quái dị. Thế là Tuân đi cướp của. Một vụ cướp lạ đời!!!
Theo thông tin từ CQĐT, vào 14h ngày 26-7-2019, Nguyễn Đức Tuân (SN 1981, quê ở xã Sông Khoai, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh) đi vào một siêu thị nhỏ trên phố Phủ Doãn (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Lúc này, siêu thị chỉ có một nữ nhân viên bán hàng. Tuân đi qua các dãy hàng hóa, xem xét rồi chọn một chiếc bàn chải đánh răng để mang ra quầy thanh toán. Trong khi người bán đang lấy tiền trả lại thì Tuân bất ngờ rút ra một con dao dài khoảng 20cm, dí vào cổ nữ nhân viên, yêu cầu đưa hết tiền trong ngăn kéo. Hoảng sợ, chị này đã lấy ra 1.150.000 đồng để đưa cho Tuân. Điều kỳ lạ là sau đó, tên cướp đã để cho nữ nhân viên đi ra ngoài để hô hoán, còn y cố thủ phía trong cửa hàng chờ công an đến bắt. Theo một cán bộ công an trực tiếp tham gia tại hiện trường, Tuân tỏ ra chấp hành, không có hành vi chống cự. |
Ảnh: Tuân tại cơ quan công an.
Anh ta cướp nhưng không làm hại bất kỳ một ai, cướp chẳng vì tiền mà chỉ muốn đi tù. Đến đây, chắc chẳng ai còn nghĩ Nguyễn Đức Tuân là một người bình thường. Chí Phèo cũng từng bị coi là một thằng điên của làng Vũ Đại, Chí đến ăn vạ cụ Bá, còn Tuân, Tuân ăn vạ cuộc đời.
Nếu chỉ nhìn vào những hành động sai lầm mà Tuân đã gây ra, kết cục của hắn sẽ chẳng khác với những kẻ cướp manh động thường thấy. Chí Phèo giết Bá Kiến phải trả giá bằng mạng sống, thì Nguyễn Đức Tuân cũng có nguy cơ phải trả giá cho hành động bồng bột bằng những năm tháng tự do sau này.
Về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Quang Anh (Công ty Luật TNHH Sao Việt), Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng:
“Việc đầu tiên mà cơ quan tiến hành tố tụng cần làm đó là giám định tâm thần đối với Nguyễn Đức Tuân. Bởi vì những hành động, lời nói của anh ta không giống người bình thường, hoàn toàn có khả năng anh ta đang mắc một chứng bệnh về tâm thần như: trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) hoặc rối loạn lưỡng cực. Tuổi thơ bất hạnh cũng như sự lạnh nhạt của những người thân thiết đã khiến quá trình phát triển tâm lý của Tuân có sự vặn vẹo. Tuy nhiên cho dù là một kẻ “bất thường” thì anh ta vẫn luôn là một người lương thiện. Cho dù muốn chết cũng có suy nghĩ khiến cho cái chết của mình ý nghĩa hơn bằng việc đăng ký hiến tạng, khi đi cướp tiệm tạp hóa anh ta cũng không làm bị thương người khác.
Xét về hành vi khách quan thì việc kề dao và yêu cầu người bán hàng đưa tiền đã phù hợp với tội “Cướp tài sản”, tuy nhiên về ý chí, mục đích phạm tội không nhằm cướp tài sản (Bằng chứng là anh ta lấy được tiền nhưng thả cho nữ nhân viên ra ngoài kêu cứu, đồng thời ngồi trong quán chờ công an đến bắt; ngay cả lời khai của Tuân tại cơ quan công an cũng như những hành động tự tử, yêu cầu hiến tạng trước đó đều chứng minh mục đích Tuân muốn đi tù là thật) nên không thể khép tội Cướp tài sản cho đối tượng này.”
Từ vụ việc của đối tượng Tuân, nhiều người ngỡ ngàng khi việc quan tâm đến các đối tượng tinh thần bất ổn trong xã hội còn quá mức lỏng lẻo, trong khi những đối tượng này dễ sảy chân rơi vào những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như chia sẻ của Nguyễn Đức Tuân khi bị bắt: “Nếu đi cướp không thành công sẽ chuẩn bị để tối gây án nghiêm trọng hơn để được ngồi tù mãi mãi”. Có thể thấy những người như Tuân có thể từ một công dân lương thiện trở thành kẻ thủ ác vì những mục tiêu rất “hoang đường”. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có một quy định bắt buộc chữa bệnh đối với những người có vấn đề về tinh thần khi họ chưa gây ra tội ác, hầu hết đều tự quản lý tại gia đình. Chúng ta đang mắc phải một chứng bệnh đó là “mất bò mới lo làm chuồng”. Chỉ khi có hậu quả xảy ra xã hội mới bắt đầu bức xúc và tìm cách giải quyết vấn đề. Không mấy người nghĩ rằng để ngăn chặn tội phạm trước hết cần thay đổi tâm lý của chính những người còn đang được cho là “bình thường”. Một khi giáo dục cá nhân có được nhận thức tốt, gia đình và xã hội luôn quan tâm theo sát, thì tội phạm sẽ tự nhiên giảm hẳn.
May mắn rằng trường hợp của Nguyễn Đức Tuân vẫn là một “kẻ cướp hiền lành” nên không có hậu quả xấu xảy ra. Tuy nhiên, không lấy gì đảm bảo cho những trường hợp khác họ còn đang ấp ủ, dồn nén ngoài xã hội. Trong mỗi người đều có một con quỷ, đừng để hoàn cảnh và chính mình dồn ép con quỷ chiến thắng thiện lương.