Sau 8 năm chung sống, tháng 2/2006, chị Vũ Thị Thanh Phương (SN 1973, trú tại số 12 (số 2 cũ) Đoàn Thị Điểm, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội) xin ly hôn anh Đào Đình Văn (SN 1961, trú tại số 9, ngõ 116, phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội).

Theo bản án phúc thẩm của TANDTC ngày 24/7/2008, sau khi kết hôn, vợ chồng anh Văn mua căn nhà số 12 (số 2 cũ), phố Đoàn Thị Điểm, diện tích 64,4 m2, cộng cả ngõ đi chung, mặt tiền 4,2m. Năm 2001, nhà đất này đã được cấp số đỏ đứng tên vợ chồng anh Văn, chị Phương. Xác định là tài sản chung, Tòa tuyên chia theo giá trị, mỗi người hưởng ½  là 1.207.924.000 đồng. Chị Phương được sở hữu và sử dụng toàn phòng mặt phố 21,4m2 và một phòng tiếp theo có diện tích 8m2. Phần diện tích phía trong 35m2  được chia cho anh Văn. Anh Văn cho rằng, sau khi kết hôn, chị Phương không có việc làm, không có thu nhập và anh Văn vẫn phải gửi tiền về hàng tháng cho mẹ con sinh hoạt, công sức của anh bỏ ra là phần lớn nên chia đôi là hoàn toàn không thỏa đáng. Luật cũng quy định, tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản.Tuy nhiên, các cấp Tòa đã không xem xét điều này.

Tại phiên tòa sở thẩm, anh Quý và chị Thủy khai vợ chồng anh Văn, chị Phương nợ họ 6000 USD nhưng không có giấy tờ gì. Đến phiên tòa phúc thẩm, anh Quý xuất trình một mảnh giấy vay nợ viết tay, trong đó có chữ viết và chữ ký nhận vay tiền của chị Phương với anh Quý và chị Thủy. Tuy nhiên, chị Phương không thừa  nhận đó là chữ viết của mình. Anh Văn, anh Quý cùng đề nghị cho giám định chữ viết nhưng HĐXX đã không xem xét, không công nhận tờ giấy vay nợ là tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án. Đồng thời, vẫn tuyên buộc anh Văn phải trả cho anh Quý số nợ 6.000 USD?

Cũng theo bản án, anh Văn và chị Phương có 1 người con chung là cháu Bảo An 7 tuổi. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, anh Văn và chị Phương đều khai chỉ có một người con chung. Cả hai người cùng có nguyện vọng nuôi con nhưng Tòa sơ thẩm đã tuyên giao cho chị Phương nuôi dưỡng. Tuy nhiên, tháng 7/2008, anh Văn được biết ngày 21/12/2007, chị Phương đã sinh người con gái thứ hai là cháu Đỗ Phương Trinh. Anh Văn khẳng định, trong quá trình giải quyết vụ án, hai người tuy không chung sống nhưng vẫn qua lại và sinh hoạt vợ chồng một vài lần. Sở dĩ, khi chị Phương sinh cháu Trinh, anh Văn hoàn toàn không được biết vì chị Phương giấu. Do vậy, trong suốt quá trình xét xử, anh Văn không thể cung cấp được cho Tòa về tình tiết này.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 24/7/2008, anh Văn đã đề nghị HĐXX ghi nhận giữa hai người còn có một người con nữa là cháu Trinh và giao cho anh Văn nuôi dưỡng cháu Bảo An, chị Phương nuôi dưỡng cháu Trinh. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận vì cho rằng quá trình giải quyết ở Tòa án sơ thẩm và trong đơn kháng cáo của anh Văn, chị Phương chưa bao giờ khai có đứa con chung thứ hai mà chỉ khai có 1 con chung là cháu Bảo An, nên Tòa sơ thẩm không xét. Do Tòa án cấp sơ thẩm không xét, nên không có cơ sở để Tòa án cấp phúc thẩm xem xét.

Sau khi có bản án sơ thẩm (ngày 27/11/2007), cả anh Văn và chị Phương đều kháng cáo nhưng không ai kháng cáo về việc ly hôn. Theo luật, quan hệ vợ chồng giữa anh Văn và chị Phương chấm dứt vào thời điểm Bản án sơ thẩm có hiệu lực về phần quan hệ hôn nhân (ngày 13/12/2007 – PV). Như vậy, chỉ sau có 03 ngày bản án về quan hệ hôn nhân có hiệu lực, chị Phương đã sinh người con thứ hai. Theo quy định, con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án hoặc quyết định của Tòa án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật, thì được xác định là con chung của hai người. Do đó, cháu Trinh mặc nhiên được xem là con chung giữa anh Văn và chị Phương, nếu chị Phương không đưa ra chứng cứ để khẳng định đây là con riêng của mình.

HĐXX đã tuyên chị Phương được quyền nuôi cháu An và cùng với việc không đưa cháu Trinh vào phần con chung để giải quyết trong vụ án, đã gián tiếp công nhận chị Phương được cả hai người con chung.

Theo Báo Pháp luật & Xã hội 

Luật sư Nguyễn Quang Anh (Công ty Luật TNHH Sao Việt) bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho anh Văn phân tích: 

Điều này đã vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền làm cha của anh Văn. Trong vụ án này, lẽ ra HĐXX phải xác định đây là sau phạm của cấp sơ thẩm và tuyên hủy bản án để giải quyết lại từ đầu.

Vụ án ly hôn và chia tài sản của anh Văn, chị Phương đã qua 3 phiên tòa. Xét xử sơ thẩm lần đầu, TAND quận Đống Đa bị hủy toàn bộ bản án do vi phạm tố tụng. Tiếp tục qua hai cấp Tòa nữa, vụ việc vẫn “có duyên” với việc vi phạm tố tụng. Với bản án này cần được xem xét bởi cấp Tòa cao hơn, để đảm bảo tính khách quan và quyền lợi hợp pháp cho các bên.

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer