Dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, Bộ Công Thương vừa đưa ra Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Dự thảo này nêu rõ cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam bao gồm hàng hóa có xuất xứ thuần túy và hàng hóa không có xuất xứ thuần túy nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa. Bàn về những vấn đề pháp lý phát sinh xoay quanh dự thảo mới này, Luật sư Nguyễn Quang Anh (Công ty Luật TNHH Sao Việt) – Đoàn luật sư Hà Nội gửi tới bạn đọc những lí giải cụ thể trên phương diện pháp luật.

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa.

Vấn đề hàng hóa có xuất xứ thuần túy theo quy định tại điều 8 Thông tư (bao gồm: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam; động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam; các sản phẩm từ động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam; các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại Việt Nam…) vốn không phải trọng tâm của Thông tư này, vấn đề đáng quan tâm thực chất nằm ở quy định về hàng hóa không có xuất xứ thuần túy nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa. Loại hàng hóa này phải phù hợp với hai tiêu chí về hàm lượng giá trị gia tăng và “chuyển đổi mã số hàng hóa” mới có thể được coi là “hàng Việt Nam”.

Theo đó, Bộ đưa ra hai công thức xác định hàm lượng giá trị gia tăng để các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng:

Một là, giá trị nguyên liệu đầu vào (có xuất xứ Việt Nam) phải chiếm 30% giá trị hàng hóa xuất xưởng mới được công nhận là hàng Việt Nam. “Trị giá nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Việt Nam” sẽ bao gồm trị giá của nguyên liệu mua của nhà sản xuất trong nước hoặc do tổ chức, cá nhân tự sản xuất; chi phí nhân công trực tiếp, chi phí nhà xưởng có liên quan đến quá trình sản xuất; an ninh nhà máy; nghiên cứu, phát triển, thiết kế và chế tạo các chi phí khác và lợi nhuận… Trong đó sẽ có những khoản doanh nghiệp tự kê khai mà không cần chứng từ hay hóa đơn đỏ để chứng minh.

Quy định này mặc dù có thể đưa ra định mức cụ thể để xác định nguồn gốc của sản phẩm, tuy nhiên cũng đặt ra vấn đề là các doanh nghiệp có thể khai tăng giá trị nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam, và khai giảm giá trị của nguyên liệu nhập khẩu. Như vậy giá sản phẩm không đổi mà vẫn đủ tiêu chí 30% theo luật định, sản phẩm vẫn mang nguồn gốc Việt Nam và đã “lách luật” để được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan.

Công thức thứ hai để xác định hàm lượng giá trị gia tăng mà doanh nghiệp có thể lựa chọn là trị giá xuất xưởng trừ đi trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam chiếm khoảng 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa thì hàng hóa đó cũng được coi là made in Vietnam. Ở đây, “trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam” là trị giá của hàng hóa nhập khẩu bao gồm cả tiền bảo hiểm và phí vận chuyển đến cửa khẩu/cảng của Việt Nam.

Một vấn đề nữa cần chú ý là không phải cứ đạt 30% trị giá nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Việt Nam thì được công nhận là hàng Việt Nam mà còn phải vượt qua giai đoạn gia công đơn giản. “Gia công, chế biến hàng hóa đơn giản” được hiểu là quá trình sản xuất chính tạo ra đặc điểm cơ bản của hàng hóa mà không cần sử dụng các kỹ năng đặc biệt, máy móc, dây chuyền hoặc các thiết bị chuyên dụng.

Theo quy định trên thì việc lắp ráp máy móc, ô tô tại Việt Nam phải chăng đều được ghi nhận sản phẩm là của Việt Nam khi đạt tiêu chí nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc Việt Nam bằng 30%? Nên nhớ rằng ô tô mang xuất xứ Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm giá thành sản phẩm và tạo sức cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất khác. Đây là một trong những bước đi nhằm khuyến khích nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp nặng như ô tô, thiết bị điện tử,… tuy nhiên việc thuế nhập khẩu từ khu vực giảm còn 0% đã khiến chúng ta mất đi một khoản ngân sách không nhỏ, nếu việc khuyến khích nội địa hóa lại đặt sai đối tượng sẽ tạo lỗ hổng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mang mác hàng Việt Nam để lách thuế. Như vậy, không những người tiêu dùng bị ảnh hưởng, mà ngân sách lại bị thiệt hại thêm một khoản tiền thuế nữa.

Một tiêu chí nữa để xác định hàng hóa có được dán nhãn made in Vietnam hay không là tiêu chí về “chuyển đổi mã số hàng hóa”. Chuyển đổi mã số hàng hóa được hiểu một cách đơn giản là sự thay đổi về mã số phân loại theo Hệ thống hài hòa của hàng hóa được tạo ra ở Việt Nam trong quá trình sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ. Tiêu chí này cho phép doanh nghiệp có thể sử dụng nguyên liệu nhập khẩu 100% hoặc không xác định về xuất xứ trong quá trình sản xuất ra sản phẩm. Miễn là quy trình đó thỏa mãn quy định diễn ra sự chuyển đổi mã số hàng hóa và vượt qua công đoạn gia công đơn giản. Ví dụ:

- Nguyên liệu để sản xuất là gỗ nhập khẩu hoặc mua nhỏ lẻ từ người dân

- Sản phẩm hoàn thiện là thiết bị nội thất từ gỗ ép.

Như vậy, sản phẩm cuối cùng được công nhận là hàng Việt Nam dù nguyên liệu có thể nhập khẩu 100% hoặc không rõ nguồn gốc. Sản phẩm này đã vượt qua được công đoạn gia công đơn giản và chuyển đổi mã số hàng hóa.

Dễ nhận thấy, thông tư này quy định đã khá chặt chẽ về tiêu chí xác định nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên chính từ quy định các sản phẩm gia công, chế biến đơn giản, hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn thì không được coi là hàng hóa của Việt Nam (theo điều 10 chương 3) lại làm phát sinh vấn đề mới đó là linh kiện được nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau và không đủ điều kiện mang xuất xứ Việt Nam thì sẽ phải ghi xuất xứ nước nào? Nếu dự thảo không quy định vấn đề này thì với trường hợp như vậy các doanh nghiệp sẽ xác định nguồn gốc hàng hóa theo ngẫu hứng hay sao?

Mặc dù, tới thời điểm này Bộ Công Thương đưa ra dự thảo Thông tư quy định thế nào là hàng ‘made in Việt nam” đã muộn so với sự phát triển của thị trường, nhưng để minh bạch xuất xứ hàng hóa và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thì việc ban hành quy định cụ thể vẫn là việc phải làm. Tuy nhiên, việc quy định cần phải chặt chẽ, nếu không sẽ vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp, vừa làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer