Hôn nhân đồng giới là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều quốc gia, trong việc có hay không việc công nhận và hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay, nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ quan điểm ủng hộ hôn nhân đồng giới, nhiều nước giữ quan điểm trung lập, nhưng cũng có nước phản đối và lên án gay gắt hôn nhân đồng giới. Vậy thì, pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về hôn nhân đồng giới?

                                                                   Nguồn ảnh: Internet

1. Thế nào là hôn nhân đồng giới? Thực trạng hôn nhân đồng giới ở Việt Nam hiện nay.

Những người đồng tính là một bộ phận thuộc cộng đồng LGBT. “LGBT” là tên viết tắt của đồng tính nữ (L-lesbian), đồng tính nam (G-gay), song tính (B- Bisexual, thích cả hai giới nam và nữ), chuyển giới (T- Transgender, người có sinh ra có cảm nhận về tâm hồn thể xác trái ngược với giới tính sinh học của mình).

Hôn nhân đồng giới là hôn nhân giữa những người có cùng giới tính về mặt sinh học. Có thể là giữa hai người là đồng tính nam hoặc đồng tính nữ với nhau. Giữa họ tồn tại tình yêu, sự đồng cảm dành cho đối phương. Tính đến nay trên thế giới đã có 28 quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân giữa người cùng giới tính.[1] Theo đó, họ có thể kết hôn hợp pháp, được pháp luật bảo vệ quyền lợi như những cặp vợ chồng khác.

Hôn nhân đồng giới là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều quốc gia, giữa những người ủng hộ và phản đối, gây ra sự chia rẽ xã hội gay gắt, thậm chí nhiều nước còn xảy ra các cuộc biểu tình đòi quyền lợi cho những người thuộc cộng đồng LGBT. Những người ủng hộ cho rằng việc hợp pháp hoá kiểu hôn nhân này đảm bảo nhân quyền, bình đẳng với tất cả mọi người và giảm được phân biệt đối xử trong xã hội. Ngược lại, những người phản đối hôn nhân đồng giới cho rằng kiểu hôn nhân này gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là những đứa trẻ có cha mẹ là những người đồng tính, sẽ dễ gặp phải những tổn thương về tâm sinh lí, hành vi lệch lạc. Kiểu hôn nhân này không bền vững và mang khả năng suy giảm nòi giống, ảnh hưởng xấu đến giá trị văn hóa,...Nếu hợp pháp hóa sẽ gây nguy hại cho trẻ em và xã hội.     

Ở Việt Nam, có một thống kê chưa chính thức từ tổ chức phi chính phủ CARE ước tính đến năm 2012 thì Việt Nam có khoảng từ 50.000 – 125.000 người đồng tính. Theo khảo sát hồi tháng 6/2012 của Tổ chức ICS hỏi ý kiến 5.000 người đồng tính về vấn đề hôn nhân, có 71,1% muốn kết hôn với người đồng giới, 24,7% muốn chung sống có đăng ký, chỉ 4,2% chấp nhận chung sống không đăng ký. Đến thời điểm hiện tại là 2020 thì con số này đã tăng lên rất nhiều.

2. Quy định của pháp luật về hôn nhân đồng giới

Theo khoản 2 điều 8 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì Việt Nam không thừa nhận hôn nhân của 2 người cùng giới tính, vì vậy mà những người đồng tính thực hiện việc kết hôn thì mối quan hệ hôn nhân của họ sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này. Theo luật hôn nhân gia đình năm 2000 thì pháp luật còn cấm việc kết hôn giữa 2 người có cùng giới tính, tuy nhiên luật hôn nhân gia đình mới này đã bỏ quy định cấm đó nhưng vẫn không thừa nhận hôn nhân cùng giới.

Khoản 2 - “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

Như vậy, giữa quan điểm ủng hộ và phản đối, pháp luật Việt Nam lựa chọn cách trung lập, theo đó sẽ không cấm hôn nhân đồng giới, nhưng đồng thời cũng không thừa nhận. Trên thực tế vẫn có nhiều cặp đôi đồng tính tổ chức đám cưới mà pháp luật không can thiệp. Đây là một tín hiệu vui đối với những người muốn tiến tới hôn nhân đồng tính, đây cũng là minh chứng cho kết quả của sự đấu tranh về mặt tư tưởng của mỗi người dân Việt Nam trong một quá trình dài.

3. Có nên hay không việc hợp pháp hôn nhân đồng giới ở Việt Nam

Có thể thấy, chính phủ nước ta đang giữ một thái độ trung lập đối với vấn đề hôn nhân đồng giới, việc không thừa nhận nhưng cũng không cấm thể hiện sự khéo léo của Chính phủ trong việc hạn chế những cuộc tranh cãi gay gắt không đáng có trong xã hội.

Về cá nhân mình, tôi ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới bởi vì hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới thể hiện sự bình đẳng giữa các cá nhân, đề cao nhân quyền. Sẽ thật dễ dàng nếu chúng ta sinh ra được phát triển bình thường về mặt thể chất, tâm sinh lí. Nhưng hôn nhân là mục tiêu của nhiều người, và đối với những người đồng giới cũng vậy. Việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới cho thấy sự tiến bộ của đại bộ phạn người dân trong xã hội trong việc nhìn nhận, đánh giá, chia sẻ, cảm thông với nhưng người xung quanh. Yêu ai và kết hôn với ai là mong muốn riêng biệt của mỗi người, chúng ta không thể tước đi quyền tự do đó của họ.

Dưới góc độ pháp lí, để có thể hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới cần phải bổ sung và hoàn thiện hơn nữa về các quy định của pháp luật có liên quan đến các vấn đề về quan hệ vợ chồng, xác định cha, mẹ, con, quan hệ tài sản và các vấn đề khác được quy định trong các chế định về hôn nhân và gia đình. Có như vậy mới có thể bảo đảm quyền lợi tối đa cho mọi người.

 


[1] https://vi.wikipedia.org/

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer