Làm từ thiện trước nay luôn được coi là một trong những nét đẹp văn hóa, là hành động thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam. Tuy nhiên, đứng trước ma lực của đồng tiền, kêu gọi từ thiện đang có nguy cơ trở thành công cụ để một số cá nhân, tổ chức trục lợi cho bản thân mình. Đặc biệt trong thời gian gần đây, câu chuyện kêu gọi quyên góp từ thiện của một số nghệ sĩ đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?

Ảnh minh họa: Internet

Từ thiện được hiểu là hành động giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người khác. Từ thiện là hành động tự nguyện, xuất phát từ tấm lòng nhân ái nên nhiều người đều cho rằng từ thiện không cần tuân thủ các nguyên tắc nào cả. Tuy nhiên, pháp luật vẫn đặt ra các quy định để cá nhân, tổ chức kêu gọi làm từ thiện phải tuân theo nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tư lợi riêng.

 Đối với cơ quan, tổ chức:  Cụ thể theo quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Thông tư 72/2008/TT –BTC, chỉ một số cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 5 Nghị định trên bao gồm Mặt trận tổ quốc, Hội chữ thập đỏ Việt Nam… mới được kêu gọi, tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ, và phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau đây:

- Việc kêu gọi từ thiện phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tùy theo lòng hảo tâm; các cơ quan, tổ chức không tự đặt ra mức huy động đóng góp tối thiểu để ép buộc người dân thực hiện.

- Việc sử dụng tiền, hàng ủng hộ theo đúng mục đích huy động, kịp thời để khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; nghiêm cấm sử dụng sai mục đích dưới bất kỳ hình thức nào.

- Nghiêm cấm các hành vi: Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo, Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi. Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp. 

- Tuân thủ nghiêm ngặt thời gian kêu gọi, vận động đóng góp, phân phối tiền, hàng cứu trợ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 64/2008.   

Trường hợp các tổ chức, cá nhân huy động, quản lý và phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ trái với quy định tại Nghị định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đối với cá nhân kêu gọi từ thiện:

Hiện nay trong Luật chỉ cụ thể hóa quy định về việc làm từ thiện của các cơ quan, tổ chức, mà chưa có quy định cụ thể đối với việc kêu gọi từ thiện của cá nhân. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, bản chất của việc kêu gọi từ thiện của cá nhân được nhìn nhận là một giao dịch dân sự (hợp đồng ủy quyền) theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLDS 2015: “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.

Thực tế, giữa hai bên đại diện –  ủy quyền trong trường hợp này không có hợp đồng quy định các điều khoản về quyền hạn, nghĩa vụ cụ thể nhưng thỏa thuận về việc thực hiện nghĩa vụ vẫn ngầm được xác nhận. Theo đó, người đứng ra kêu gọi từ thiện đóng vai trò là chiếc cầu nối trung gian, đại diện cho người quyên góp để thực hiện nghĩa vụ chuyển tiền, hàng cứu trợ đến những người có hoàn cảnh khó khăn theo đúng những gì mà cá nhân đó đã kêu gọi.

Nếu người kêu gọi từ thiện  không thực hiện đúng nghĩa vụ cứu trợ thì bên ủy quyền hoàn toàn có thể khởi kiện đòi lại tiền, tài sản đã quyên góp. Ngoài ra, trường hợp cá nhân lợi dụng uy tín để kêu gọi từ thiện nhưng không thực hiện mà nhằm chiếm đoạt tài sản, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân đó có thể bị truy cứu TNHS về tội Lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc bị xử phạt hành chính từ 1 – 2 triệu đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ –CP.

Từ những phân tích trên đây, khi làm từ thiện/ kêu gọi từ thiện, cá nhân, tổ chức cần “chọn mặt gửi vàng” để tránh những hệ lụy xấu không đáng có xảy ra.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer